Tỏi ngâm giấm là món ăn kèm làm tăng hương vị cho các món bún, phở, hủ tiếu,… Ăn tỏi ngâm giấm còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người chưa biết cách ngâm khiến tỏi bị xanh, nước ngâm nổi váng và không bảo quản được lâu. Hãy cùng khám phá bí quyết làm tỏi ngâm giấm chua ngọt trắng giòn không xanh qua bài viết dưới đây.
Tỏi ngâm giấm vừa là gia vị vừa là thuốc quý. Ảnh: Internet
Cách làm tỏi ngâm giấm không khó, chỉ cần bạn chú ý trong khâu chọn lựa và sơ chế nguyên liệu sẽ cho ra thành phẩm là những hũ tỏi ngâm trắng giòn, chua chua, ngọt ngọt, vừa đẹp mắt lại cực kỳ ngon miệng.
Công dụng của tỏi với sức khỏe
Tỏi là gia vị quen thuộc trong các bữa ăn của nhiều gia đình Việt. Trước khi học cách làm tỏi ngâm giấm không bị xanh, cùng tìm hiểu công dụng của loại gia vị này đối với sức khỏe. Theo Đông y, tỏi là loại thảo dược có vị cay, tính ấm, có các công dụng điển hình như:
- Tăng sức đề kháng
- Ngăn ngừa ung thư
- Tốt cho người mắc bệnh khớp
- Chống lão hóa
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và huyết áp
- Phòng các bệnh về hô hấp
- Cân bằng pH và làm đẹp da
Tỏi có nhiều tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe. Ảnh: Internet
Cách làm tỏi ngâm giấm
Nguyên liệu
- Tỏi: 500g
- Ớt tươi: 50g
- Giấm gạo: 400ml
- Gia vị: đường, muối, phèn chua
- Chuẩn bị lọ thủy tinh có nắp đậy để ngâm tỏi
Nguyên liệu làm tỏi ngâm giấm. Ảnh: Internet
Các bước làm
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Tỏi bóc vỏ, cắt lát mỏng nếu muốn tỏi ngấm gia vị và nhanh ăn hơn, hoặc để nguyên tép nếu muốn ăn tỏi giòn. Chuẩn bị một thau nước đun sôi để nguội có pha 1 muỗng cà phê muối, cho tỏi vào ngâm từ 8 - 10 tiếng (hoặc ngâm qua đêm). Công đoạn này nhằm loại bỏ bớt chất nhựa trong tỏi và giúp tỏi trắng hơn.
Cắt lát mỏng giúp tỏi nhanh ngấm gia vị hơn. Ảnh: Internet
Ớt bỏ cuống, rửa sạch, thấm khô. Sau đó cắt lát mỏng hoặc để nguyên trái tùy thích.
Bước 2: Xử lý phèn chua
Cho 1 muỗng phèn chua vào nồi, đổ nước vào rồi bắc lên bếp nấu. Khi phèn chua tan hết cho tỏi vào chần sơ trong 10 - 15 giây, sau đó vớt ra, ngâm tỏi vào thau nước đá lạnh.
Cho phèn chua vào nồi, nấu đến khi tan hết. Ảnh: Internet
Tỏi ngâm xong đặt trên giấy thấm thật khô, phơi từ 2 - 3 tiếng cho ráo nước. Đây là cách giúp tỏi ngâm không bị xanh.
Bước 3: Làm nước ngâm
Cho vào nồi 400ml nước lọc, thêm vào 400ml giấm gạo, 2 muỗng cà phê đường và 1 muỗng cà phê muối. Bắc lên bếp đun sôi đến khi hỗn hợp tan hết và giấm bay bớt mùi thì tắt bếp, để nguội.
Bước 4: Tiến hành ngâm giấm tỏi, ớt
Xếp tỏi, ớt vào lọ thủy tinh, đổ hỗn hợp nước ngâm vào sao cho ngập bề mặt. Đậy kín nắp rồi đặt nơi khô thoáng, ngâm tỏi từ 3 - 5 ngày là dùng được.
Cho hỗn hợp nước ngâm vào lọ đựng tỏi, ớt. Ảnh: Internet
Một số lưu ý:
Để tỏi ngâm giấm có vị cay và hương thơm đặc trưng, bạn nên sử dụng tỏi ta, tép nhỏ. Các loại tỏi Trung Quốc tuy có tép to, trắng, nhìn bề ngoài đẹp và dễ bóc vỏ nhưng vị nhạt, không cay thơm.
Nếu không có giấm gạo, bạn có thể dùng giấm hoa quả để ngâm tỏi.
Không nên chần tỏi trong nước phèn chua quá lâu để tránh làm tỏi mềm nhũn, ăn không ngon.
Dùng tỏi còn ướt để ngâm sẽ khiến tỏi bị úng và nước ngâm nổi váng. Do đó, công đoạn phơi tỏi cần kiểm tra kỹ đảm bảo tỏi ráo nước.
Với ớt cũng vậy, sau khi rửa sạch cần thấm thật khô. Bỏ hạt ớt nếu không muốn ăn cay nhiều.
Nước giấm đường phải để thật nguội trước khi cho vào ngâm với tỏi ớt, nếu không sẽ ảnh hưởng đến độ giòn của sản phẩm.
Tỏi, ớt cần ngập hoàn toàn trong nước ngâm để tránh bị nấm mốc. Bạn có thể để miếng gạc trên bề mặt để tỏi không bị nổi lên trên.
Lọ thủy tinh sạch và khô ráo sẽ giúp tỏi không bị úng, bảo quản được lâu.
Vì sao tỏi ngâm thường có màu xanh?
Tỏi ngâm giấm bị xanh là do tỏi còn non. Do đó, bạn nên chọn những củ tỏi già, rắn, cầm chắc tay. Lớp vỏ bên ngoài có màu hơi trắng, nhánh tỏi đầy đặn, căng mẩy và không bị nhăn.
Sử dụng tỏi ngâm giấm bị xanh có sao không?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tỏi ngâm giấm bị xanh vẫn sử dụng bình thường. Tuy nhiên, công dụng chữa bệnh của tỏi sẽ bị giảm đi. Vì vậy, bạn nên thực hiện theo đúng các bước trên đây để đem lại thành phẩm đẹp mắt và đạt hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe.
Tỏi ngâm giấm bị xanh vẫn dùng được, không nên bỏ đi. Ảnh: Internet
Cách dùng tỏi ngâm giấm
Tỏi ngâm giấm ăn kèm bún, phở, hủ tiếu, bánh canh hay thịt luộc, đồ nướng, bánh chưng, bánh tét đều hợp. Chỉ với vài lát tỏi ớt ngâm giấm, món ăn sẽ đỡ ngán và ngon miệng hơn rất nhiều.
Khi ăn, dùng muỗng sạch lấy một lượng tỏi đủ dùng ra chén. Nếu ăn không hết cũng không cho tỏi dư vào lọ ngâm lại để tránh làm hỏng cả lọ.
Dùng tỏi ngâm giấm trước bữa ăn, nhất là bữa sáng có thể gây viêm loét dạ dày, chướng bụng do trong tỏi chứa nhiều axit. Để tỏi ngâm giấm phát huy tác dụng tốt nhất, bạn nên sử dụng sau bữa ăn, khi cơ thể đã nạp đủ năng lượng.
Những người mắc bệnh về mắt, đại tràng, dạ dày không nên sử dụng tỏi ngâm giấm.
Tỏi ngâm giấm để ở nhiệt độ phòng nên sử dụng trong vòng một tuần. Nếu bảo quản trong tủ lạnh sẽ dùng được lâu hơn.
Hãy áp dụng những bí quyết làm tỏi ngâm giấm chua ngọt trắng giòn không xanh trên đây để có thành phẩm như ý bạn nhé. Đừng quên thường xuyên cập nhật những mẹo nấu ăn hay tại Đào Tạo Bếp Trưởng Á Âu sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và nấu được nhiều món ăn ngon hơn.