Công dụng chữa bệnh của cây hoa đỗ quyên

Cây đỗ quyên là loại cây cảnh có hoa đẹp được nhiều người yêu cây cảnh ở Việt Nam và nhiều người trên thế giới đặc biệt yêu thích. Chúng được trồng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Chúng không chỉ đẹp mà còn là vị dược liệu giúp chữa nhiều căn bệnh hiệu quả. Vậy hãy cùng tìm hiểu tác dụng của cây hoa đỗ quyên trong chữa bệnh ở bài viết dưới đây nhé!

1. Đặc điểm chung của cây hoa đỗ quyên

Đỗ quyên hay còn gọi tên khác là báo xuân hoa, thanh minh hoa, sơn trà hoa, sơn thạch lựu, ánh sơn hồng,... Ở nước ta đỗ quyên là cây cảnh quý hiếm, hiện nay có tới 15 loài đỗ quyên khác nhau, có nhiều loài có thể sử dụng làm thuốc.

Đỗ quyên thuộc dạng cây bụi nhỏ, rụng lá, có chiều cao từ 0,3 - 1,4m, cây phân cành nhiều và nhánh nhỏ mọc đứng. Thân và cành non thường có lông mềm và ít lông cứng. Lá của cây đỗ quyên mọc so le, hình mác hoặc bầu dục, có chiều dài từ 6-12 cm, chiều rộng từ 2,4-5cm, gốc lá hình nêm, đầu tù hơi nhọn và ở phần mép có lông mi, mặt trên có ít lông, mặt dưới phủ lông dày đặc màu xám; cuống lá dài từ 2-6mm. Cụm hoa đỗ quyên mọc ở ngọn thân và đầu cành thành tán giả, hoa có nhiều màu như: vàng kim. Ở đài nhỏ thì nó có lông mềm, tràng hình chuông rộng, phần trên tràng có những chấm màu lục nhạt. Quả nang có hình tròn với chiều dài khoảng 2,5cm, có lông mềm. Mùa hoa đỗ quyên thường nở từ tháng 12 tới tháng 3 hàng năm.

Đỗ quyên phân bố ở nhiều nước như Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Ở Việt Nam, các tỉnh có đỗ quyên mọc tự nhiên bao gồm Lào Cai (dãy Hoàng Liên Sơn), Hà Giang, Lai Châu, Vĩnh Phúc (núi Tam Đảo)...

Đỗ quyên là loại cây ưa sáng nên chúng thường mọc lẫn trong các quần xã rừng kín thường xanh từ lưng chừng núi đến đỉnh và ở vùng núi đá vôi hay granit. Ở nơi có đỗ quyên mọc, các cây gỗ thường sẽ thấp, quanh năm thì có sương mù, ẩm và lạnh kéo dài về mùa đông. Đỗ quyên sinh trưởng chậm, phân cành và ra hoa, ra quả nhiều hàng năm. Thời gian ra hoa có thể kéo dài tầm 1 tháng. Cây đỗ quyên sinh sản chủ yếu từ hạt, đôi khi người ta có thể trồng bằng giâm hay chiết cành. Người ta sử dụng chất kích thích để rễ ra nhanh và cây được tốt hơn. Hoa đỗ quyên nhiều màu và quyến rũ. Cũng vì thế mà các nhà kinh doanh cây cảnh và giới chơi cây cảnh rất ưa chuộng loại cây này. Một số loài đỗ quyên đang ở trên bờ tuyệt giống vì những sở thích cá nhân và cả về giá trị kinh tế của cây hoa. Do đó, có một số loài đã trở nên cực hiếm, cần phải chú ý để bảo vệ.

2. Công dụng của cây đỗ quyên

Các chuyên gia thường sử dụng hoa và lá đỗ quyên để làm thuốc. Hoa và lá của chúng có vị chua ngọt, tính ấm, có nhiều tác dụng như hoạt huyết, điều kinh, trừ đờm, giảm ho, khử phong thấp, làm hết ngứa, ngoài ra còn được sử dụng để trị các chứng rối loạn kinh nguyệt, bế kinh, băng lậu, tổn thương do ngã,... Rễ đỗ quyên có vị chua, chát, có độc, tuy nhiên vẫn có tác dụng trừ phong thấp, hoạt huyết, hóa ứ và cầm máu. Tuy nhiên, cũng có một số loài đỗ quyên lại có độc. Ví dụ như đỗ quyên hoa vàng (hoàng hoa đỗ quyên) thường có độc tính rất cao. Để dùng thuốc an toàn thì chỉ nên sử dụng loài hoa đỗ quyên đỏ.

Đỗ quyên có nhiều tác dụng chữa bệnh như:

2.1. Tác dụng giảm đau

Quả và hoa của đỗ quyên có tác dụng giảm đau. Các thành phần của quả giảm đau tốt hơn hoa.

2.2. Tác dụng đối với hệ tim mạch

Hoa đỗ quyên có tác dụng chống loạn nhịp do Bari Chloride gây ra, nhưng không có tác dụng đối với loạn nhịp tim do Calci Chlorid.

Quả đỗ quyên: có tác dụng làm giảm nhịp tim do chất andromedotoxin có trong hoa, quả đỗ quyên có tác dụng hạ huyết áp và giảm được nhịp tim. Tác dụng giảm nhịp tim sẽ xuất hiện trước tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng này liên quan mật thiết tới liều lượng của chất andromedotoxin, liều càng cao nhịp tim giảm cũng nhiều. Với liều thường dùng, nhịp tim giảm nhưng vẫn sẽ giữ nhịp xoay đều đặn. Liều lớn, trên ECG sóng T bắt đầu thay đổi và sẽ xuất hiện rối loạn nhịp tim. Ở mức độ nhẹ thì có thể tự hồi phục. Ở mức độ nghiêm trọng có thể sẽ chuyển sang thành rung thất. Tác dụng giúp làm giảm nhịp tim của chất andromedotoxin là do kích thích dây thần kinh phế vị. Tác dụng giúp hạ huyết áp của andromedotoxin không liên quan đến tác dụng ức chế co bóp cơ tim cũng như đến hệ thần kinh giao cảm mà có liên quan tới hệ thống phản ứng Muscarin - Cholin. Sử dụng Atropin hoặc cắt dây thần kinh phế vị có khả năng phóng bế tác dụng hạ huyết áp và làm giảm nhịp tim của chất andromedotoxin. Tuy nhiên, người dân khi bị ngộ độc andromedotoxi sẽ có các triệu chứng như sau: chảy nước bọt, nôn mửa, bước đi loạng choạng, hô hấp khó khăn, tứ chi tê bại, loạn nhịp tim và lúc đầu chậm sau chuyển sang nhanh dần.

2.3. Một số tác dụng khác của cây đỗ quyên

Hoa đỗ quyên có tác dụng độc đối với côn trùng qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua đường tiêu hóa. Đồng thời cũng sẽ có tác dụng độc đối với con người.

Đỗ quyên được dùng chữa phong hàn thấp tý, viêm đau khớp xương, đau dây thần kinh, viêm phế quản mãn tính, vết thương do đâm chém.

Ngoài ra, dịch chiết từ hoa đỗ quyên còn sử dụng để thủy châm, nhĩ châm gây tê cho các tiểu phẫu thuật, tốt đối với vùng đầu mặt, cổ, ngực, bụng. Các vùng khác lại chưa đạt kết quả như mong muốn. Đỗ quyên phối hợp với cà độc dược sẽ có tác dụng hiệp đồng, tăng cường tác dụng gây mê, giảm tác dụng phụ của cà độc dược, phối hợp với các thuốc để hỗ trợ gây mê khác tốt.

Mặc dù đỗ quyên mang lại nhiều lợi ích nhưng dùng quá liều sẽ gây ngộ độc với các triệu chứng tim đập chậm, huyết áp tụt, choáng. Giải độc bằng Atropin.

Cây đỗ quyên có một số công dụng trong điều trị bệnh lý

3. Một số bài thuốc từ cây đỗ quyên

3.1. Chữa đau dây thần kinh tọa

Người ta sử dụng rễ đỗ quyên với liều như sau: Rễ đỗ quyên 3g; Thổ ngưu tất 60g; Uy linh tiên 30g; Rễ lục nguyệt sương 30g. Sắc uống nhiều ngày. Ngày uống 1 thang, rồi chia làm 2 phần. Uống khí ấm nóng, sau ăn hoặc có thể ngâm rượu. Uống 1 ly nhỏ trước khi ăn. Ngày uống 2 lần vào bữa ăn chính.

3.2. Chữa bệnh tim mạch có rối loạn vi tuần hoàn

Thường sử dụng hoa đỗ quyên để điều trị như sau: Hoa đỗ quyên 10mg; đương quy 0,4mg; xuyên khung 0,2mg; sinh thảo 0,162mg. Rồi chế thành dung dịch tiêm 2ml; tiêm bắp thịt.

3.3. Chữa bệnh thấp tý, đau khớp xương, vận động khó khăn

Sử dụng hoa đỗ quyên tươi với 12g; rễ kim anh 3g; rửa sạch ngâm 1 lít rượu trắng 40o trong vòng 1 tháng. Chỉ sử dụng cho người lớn. Trẻ em không được dùng. Liều trung bình: uống 1 lần vào buổi tối trước khi ngủ từ 15ml đến 20ml. Đối với bệnh nhân suy nhược cơ thể thì 10ml đến 15ml/lần

Hoặc có thể sử dụng bài thuốc sau: Rễ đỗ quyên, hà thủ ô, ba kích, ngũ gia bì, thỏ ty tử, uy linh tiên - mỗi vị 12-20g, sắc nước uống trong ngày.

3.4. Chữa chứng rụng tóc

Người ta dùng 15g hoa đỗ quyên; cốt toái bổ 15g; xuyên hoa tiên 30g; cao lương 25g; ngâm với 1 lít rượu trong 7 ngày. Khi dùng lắc đều, dùng que bông thấm tẩm vào rượu sau đó bôi xát vào vùng tóc rụng. Trước khi bôi rượu hãy sử dụng 1 lát gừng tươi chà xát vào da đầu cho đến khi da có cảm giác đau.

3.5. Chữa viêm phế quản mạn tính

Sử dụng bài thuốc với lá đỗ quyên 30g, lá nhót 15g, rau diếp cá 24g. Sắc uống. Hoặc có thể dùng bài thuốc sau: Hoa hoặc lá đỗ quyên với liều lượng 60g, đem ngâm trong 500ml rượu trắng; sau 10 ngày là dùng được.

Nên uống ngày 3 lần và mỗi lần 10ml.

3.6. Chữa chảy máu cam

Hoa hoặc lá đỗ quyên tươi 30g, sắc nước uống.

3.7. Chữa mụn nhọt sưng đau

Người ta thường đọt hoặc giã nát lá đỗ quyên non đắp vào vị trí mụn nhọt. Có thể phối hợp với lá trắc bách diệp tươi (lượng bằng nhau), giã nhuyễn và hòa thêm lòng trắng trứng gà hoặc mật ong, đắp vào nơi tổn thương.

3.8. Chữa dị ứng, mẩn ngứa

Lá đỗ quyên tươi, nấu nước tắm hằng ngày có thể giảm được triệu chứng dị ứng và mẩn ngứa

3.9 Chữa viêm loét dạ dày

Bài thuốc này sử dụng rễ đỗ quyên với hàm lượng 12g, cành lá mộc hương tươi 15g, quất bì 12g. Sắc uống.

Dược liệu đỗ quyên có công dụng trong điều trị viêm loét dạ dày

3.10. Chữa viêm ruột, kiết lỵ

Rễ đỗ quyên 10g, sắc uống trong ngày.

3.11. Chữa áp xe vú giai đoạn viêm tấy

Nên sử dụng rễ đỗ quyên 30g, sắc uống trong ngày.

Thuốc dùng ngoài: Lá đỗ quyên tươi cùng với hương phụ đắp vào chỗ đau ở vú.

3.12. Chữa khí huyết không đều

Hoa đỗ quyên 15g, rễ đỗ quyên 15g, cây hàm ếch 15g, sắc uống.

3.13. Chữa rong kinh

Sử dụng rễ đỗ quyên 30g, kim anh tử 30g, tuyền phúc hoa 24g, tây thảo 15g. Sắc uống. Hoặc có thể dùng: Rễ đỗ quyên 60g và sau đó sắc uống cùng với chút rượu vang.

3.14. Chữa chứng đau bụng hậu sản

Rễ đỗ quyên tươi 30-60g, sắc uống.

3.15. Chữa xuất huyết hậu sản

Lá đỗ quyên 1 nắm, sắc cùng với một chút rượu và uống.

3.16 Chữa rối loạn kinh nguyệt

Rễ đỗ quyên 15g, rễ bạc hà 15g, ích mẫu thảo 15g và hồng hoa 9g. Sắc uống.

3.17. Đau bụng kinh, đau lưng, màu kinh nhợt

Rễ đỗ quyên 30g, rễ hải kim sa 30g, ô dược 15. Sắc uống trước kỳ kinh.

3.18. Chữa bệnh trĩ

Rễ đỗ quyên tươi 60g, ruột già lợn 1 đoạn, sắc uống trong ngày.

3.19. Trị vết thương sưng tấy, bầm tím do ngã

Lá đỗ quyên khô tán bột rắc vào vết thương để cầm máu; Lá đỗ quyên tươi, nghệ vàng lượng vừa đủ, giã nát, thêm chút rượu và đắp vào nơi tổn thương. Thuốc sắc: rễ đỗ quyên 30g và sau đó sắc uống trong ngày.

Như vậy, cây đỗ quyên là loại cây mọc chủ yếu ở vùng núi phía bắc của nước ta. Cây đỗ quyên mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe con người như giảm đau, tốt cho hệ tim mạch,... và có rất nhiều bài thuốc sử dụng các thành phần của cây đỗ quyên như rễ, lá, hoa nhằm chữa các bệnh về đường tiêu hóa, mụn nhọt, khí huyết,... Tuy nhiên, khi chúng ta sử dụng đỗ quyên trong các bài thuốc cần sử dụng đúng liều lượng, tốt nhất nếu có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ Y Học Cổ Truyền sẽ tốt hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Link nội dung: https://uia.edu.vn/hoa-do-quyen-a71936.html