Nuông chiều không có nghĩa là làm việc vô lý, bạn đang thất nghiệp nhưng cô ấy thích cái túi, bạn phải đi vay mượn bạn bè để mua tặng cô ấy.
Nuông chiều không buộc phải thật phóng khoáng trong chuyện tiền bạc, cô ấy nói thích chiếc điện thoại Iphone mới, xin bạn 8 triệu để đổi điện thoại, bạn không do dự cho hẳn triệu.
Nuông chiều không có nghĩa là gượng ép, bạn không thích đọc sách tài chính, kinh doanh, cũng chẳng hứng thú gì với tin tức chính trị xã hội mà vẫn phải cố nhồi nhét để có thể nói chuyện với người ấy.
Nuông chiều cũng không phải theo kiểu con nít, dỗ từng miếng anh, hát ru nhau ngủ, đi cùng nhau mỗi ngày từ sớm đến tối…
Đối với mình có một số kiểu nuông chiều nó kỳ lạ lắm. Có lúc người ta không biết là đang được cưng chiều nhưng thực tế nó lại trên cả nuông chiều. Và cũng có những kiểu nuông chiều đến 'hư hỏng' nhưng nó lại thắm đuộm ý nghĩa nhân văn.
NUÔNG CHIỀU BẰNG CÁCH QUYẾT ĐỊNH DỨT KHOÁT THAY AI ĐÓ
Người yêu mình không nuông chiều mình theo kiểu “Em thích ăn gì, anh mang sang nhé!” cũng không phải như những câu chuyện ngôn tình trên mạng, chỉ cần đăng status vu vơ “Em thèm trà sữa quá!” là 30 phút sau anh ta mang ngay ly trà sữa tới đứng trước cổng nhà. Mình đã may mắn gặp được những người chiều mình kiểu này, mình đặc biệt cảm ơn họ nhưng cũng chỉ là lúc đó, biết ơn họ đã tốt với mình như nào. Hoàn toàn không phải là cảm giác yêu.
Anh người yêu của mình chiều mình theo kiểu kì quặc: Anh quyết định mọi thứ thay mình.
Sẽ có người bảo như thế thì quá ngột ngạt, làm sao có thể để người khác quyết định thay cuộc đời của mình. Cũng sẽ có người cho rằng mình quá nhàm chán, trở thành một gánh nặng của người ấy
Nhưng với một người thích chủ động lên kế hoạch, quyết đoán như anh và đứa tính nết khác người như mình, nó vừa đủ để chúng mình cảm thấy đặc biệt, một nửa mảnh ghép mình cần đây rồi.
Mỗi lần chúng mình quyết định đi du lịch ở đâu, anh sẽ thay mình chọn địa điểm, khách sạn, quán ăn,...Nếu mình không thích, anh sẽ tìm phương án khác, nếu đồng ý cả hai sẽ quyết định nhanh chóng.
Có những kiểu người lạ lùng như mình thế đó, mắc chứng khó chọn lựa. Không cần người khác cung phụng, không cần cho mình vật chất cũng chẳng phải làm gì đó thật cao siêu. Giúp mình chọn lựa, gợi ý cho mình một ý kiến gì đó là quá ấm áp, quá tuyệt vời.
NUÔNG CHIỀU AI ĐÓ BẰNG VIỆC MẮNG HỌ
Ba mình không phải là người đàn ông khéo ăn nói. Ba rất nóng nảy và hơi cộc tính. Hôm đó dọn hàng về trễ, mẹ đẩy xe hàng về đứng trước cổng thấy 2 ba con đang ngồi xem tivi, gọi không nghe nên tự mình ục ịch bê bàn ghế vào. Bà vấp té.
Bà chỉ vừa hét thôi là ba cũng lớn tiếng “sao không cẩn thận gì vậy!”. Ba đã dặn mẹ cái bậc thềm ở nhà vừa bị hụt 1 miếng, nói từ suốt hôm qua đến giờ cả xóm cũng biết nên ba gằn giọng “Đã dặn rồi mà không chịu cẩn thận”.
Thế là ánh mắt của mẹ đổi liền, chuyển sang trạng thái tức giận rơm rớm nước mắt. Bà thấy rằng chồng mình quá vô tâm, đã không thương, không phụ giúp mà còn mắng bà. Bà mang tâm trạng bức xúc thấy rõ, ba mình ra giơ tay đỡ bà đứng dậy nhưng bà hất đi. Mình cảm giác là bao nhiêu uất ức dồn nén bấy lâu của mẹ bùng phát lên vậy.
Bà không khóc, ba cũng không dỗ gì thêm. Mình đỡ bà đứng dậy, bà vẫn không chịu đứng dậy, ngồi lì ở đó một lúc đến khi có thể tự đứng dậy một mình. Mình rất sợ vì mẹ mình vẫn luôn làm quá mọi thứ như thế, bà luôn tự cảm thấy mình là nạn thân, luôn chịu thiệt thòi mà chẳng ai yêu thương bà.
Ba vẫn cứ lằng nhằng câu nói "Lớn rồi mà đi có chút cũng không để ý", "Dặn rồi mà đầu óc cứ ngơ ngơ!",...Nhưng vừa mắng, ông vừa lặng lẽ làm tất cả mọi thứ. Ông đi đun nước, chuẩn bị sẵn nước ấm cho mẹ tắm. Lúc bà tắm thì bảo mình đi lau sàn, nhất là khu nhà tắm để thôi mẹ trượt chân lần nữa. Ông cũng đi gom cái tủ thuốc mini xem có đủ đồ nghề không. Rồi lọ mọ đi xem vòng quanh nhà dẹp sạch đống đồ chơi của đứa cháu, dọn hết chướng ngại vật vì sợ vô tình chân mẹ lại vấp. Mình hôm đó đáng thương như con ghẻ, xếp đồ, giặt đồ, phơi đồ, dọn cơm, rửa bát,... để cho đôi vợ chồng ngồi trên ghế, ông xoắn ống quần mẹ lên hỏi còn nhức không, coi tivi đài gì, ngồi đó đi để con nó làm.
Ông nuông chiều mẹ mình theo một kiểu rất khác, không ngọt ngào trong lời nói mà nó ngọt trong từng bước đi của ông. Ông mắng vợ mình để bà phải ghi nhớ. Đó cũng là lý do tại sao 30 năm qua, mẹ bức xúc nhưng chẳng bao giờ đòi ly hôn, cũng chả bao giờ giận ông quá 2 ngày, vì bà biết người đàn ông của bà: "Mắng nhưng không bỏ mặc, mắng nhưng lo lắng cho bà".
CƯNG CHIỀU AI ĐÓ BẰNG VIỆC BỎ THỜI GIAN LÀM NHỮNG THỨ NHỎ NHẶT
Thuở nhỏ, mẹ mình bán sữa đậu nành. Mình rất thích ăn váng đậu nên cứ canh me vòi xin. Nấu cả nồi sữa to, mẹ đã phải thức dậy từ lúc 4h sáng, nhưng để có thêm vài lớp váng, bà phải dậy sớm thêm 30 phút nữa. Bạn biết đấy, cái công đoạn làm váng nó rất cực, mỗi khi sữa nóng lên trên mặt nồi sẽ xuất hiện một lớp váng, phải hớt đi và chờ một lúc thì mới có được một lớp khác. Thế mà bà vẫn chiều mình.
Bên cạnh đó, ba cũng chiều mình không kém. Chẳng hạn như cả nhà mình đều thích ăn mắm, tôi không thích ăn tất cả các thể loại liên quan đến mắm, kể cả nước mắm, mắm chưng, ... thế là ông bắt bà làm mắm còn ông nấu thêm phần ăn khác cho đứa con gái ‘rượu’ này.
Sau này lên Đại học, ba mẹ còn cực hơn. Mỗi tháng mình về quê một lần, mỗi lần về 2 đêm là hết 2 đêm đôi vợ chồng ấy thức khuya. Mẹ mình thì nhặt đậu và rang xay thành ngũ cốc. Ba thì xé thịt rồi ram đến khi khô thành chà bông,.... Mình bảo mình những thứ đó mình có thể mua ở Sài Gòn được nhưng ba mẹ bảo "Không, mua ngoài không tốt cho sức khỏe. Bên ngoài sao bằng nhà làm".
Mình tâm sự với chị gái rằng vì sao người lớn khổ quá ha; làm ba mẹ ai cũng khổ thế ư. Chị bảo mình rằng "Không đâu, sau này khi em có con, em sẽ thấy lúc em làm những thứ đó cho con mình, em thấy vui, khổ 1 nhưng vui 10".
Và đến hiện tại, dù chưa có con, mình cũng công nhận, khi bạn yêu ai đó bằng cả trái tim, bạn sẽ không tiếc vì đã hy sinh thời gian cho họ:
- Bạn có thể book hai ly sữa tươi trân châu bánh plan béo ngậy chỉ tốn 100 nghìn và 15 phút là có ngay nhưng bạn chọn cách mất 3 tiếng ngồi nắn từng viên trân châu, nấu trà, pha sữa.
- Bạn có thể chọn đặt một chiếc bánh kem với giá vài trăm nghìn nhưng bạn lại quyết định đi học suốt 2 tuần và tập tành liên tục mỗi tối để tự tay dành tặng sinh nhật người ấy.
NUÔNG CHIỀU THẦM LẶNG, BÊN CẠNH AI ĐÓ CŨNG LÀ MỘT KIỂU NUÔNG CHIỀU
Sau khi ra trường, vì công việc, số lần mình về quê ngày càng ít dần. Ba mẹ cũng không còn quá nuông chiều mình như lúc nhỏ. Thay vào đó, họ là chỗ dựa tinh thần cho mình những lúc mình mệt mỏi nhất. Có nhiều lúc thấy bản thân vô dụng hay thất bại đến mức không còn động lực sống, không muốn nói chuyện với bất cứ ai, không muốn làm bất kỳ thứ gì, nhưng tự nhiên về quê, được ăn một bữa cơm ngon ba nấu, nhìn chiếc giường cũ luôn được mẹ quét dọn sạch sẽ mỗi tuần, nhìn ba mẹ vui vẻ khi gia đình sum họp nằm xem tivi với nhau...mình cảm thấy nguồn sống trở lại. Những hành động thương yêu đó đối với mình cũng là một dạng nuông chiều, nó giúp mình có thêm động lực tiếp tục sống. Vì mình biết "trên thế gian này còn người đang mong đợi sự tồn tại của mình đến thế, vậy tại sao mình lại rời bỏ họ".
Nhắc đến đây, mình nhớ lời tâm sự của Nhị tỷ Trương Hâm Nghệ cho Hoa Thần Vũ trong một chương trình thực tế. Hoa Thần Vũ đặc biệt cảm ơn chị gái mình vì đã bao lâu nay bên cạnh mình. Những lúc cậu yếu lòng nhất sẽ đặc biệt gọi điện để được chạy sang ăn cơm nhà chị và Nhị tỷ chưa bao giờ từ chối, cũng chẳng hỏi cậu vì sao. Cứ cậu gọi, chị sẽ chỉ bảo "Cậu muốn ăn gì?" và luôn tiếp đón cậu bất kỳ lúc nào.
Chị bảo "Thật ra chị biết những gì mà cậu phải đối mặt, có lúc nhìn thấy cậu ấy mà đau lòng nhưng cũng không muốn hỏi, vì nếu cậu ta mở lời, hẳn là một lần tự xé vết thương lòng của chính mình thêm một lần".
Như thế đó, có những lúc, bạn chỉ cần im lặng, ở cạnh ai đó cũng là một kiểu đối đãi rất tốt với họ rồi. Cái người bị tổn thương, họ đã thấy "sự im lặng" của bạn là một cách nuông chiều dạng 'đặc ân'.
LẮNG NGHE CŨNG LÀ MỘT DẠNG 'CHIỀU CHUỘNG' NGƯỜI KHÁC
Cô giáo dạy tiếng Hoa của mình là một cô gái hoạt bát bên ngoài nhưng ẩn chứa nhiều tâm sự trong lòng. Nàng ấy không thường chia sẻ lên mạng xã hội cũng chẳng bao giờ tâm sự quá nhiều với bạn bè về những chuyện buồn, bực dọc cá nhân. Cô gái bé nhỏ ấy thường xuyên lắng nghe mọi người than thở nên không muốn câu chuyện của cô gieo rắc thêm những nguồn năng lượng tiêu cực cho bạn bè.
Cô gái ấy chọn cách tạo một tài khoản trên Mạng xã hội tiếng Trung. Cái lần mà cô gái ấy thất tình, cô lên đó khóc một trận cùng người lạ. Tài khoản bên kia là một anh chú tự nhận mình là ‘nông dân’. Anh đúng kiểu chất phác, im lặng lắng nghe, chỉ những lúc đuối giọng vì khóc, anh mới tiếp tục nói một câu gì đó để tiếp tục đoạn hội thoại.
Ba ngày đầu cô trút hết mọi suy nghĩ trong lòng, 3 ngày sau đến phiên anh. Anh kể cho cô nghe về những vấp ngã trong hành trình tự thân lập nghiệp của anh và những khó khăn trong mùa dịch này - những điều mà anh không biết phải mở lời nói với người thân, với gia đình hay cả bạn bè như thế nào cho đặng.
Họ quá chênh lệch, hai con người của cả hai thế giới, hai quốc gia, hai tôn giáo, độ tuổi...không thể match với nhau được. Thế nhưng, đến bây giờ họ đã yêu nhau và duy trì gần 1 năm suốt thời gian dịch bệnh vừa qua.
Vì sao có sự kết nối đó? Vì sự lắng nghe của đối phương, nó đáng giá hơn hàng ngàn món quà vật chất khác.
Điều này cũng không khó hiểu. Chẳng phải trong chúng ta ai cũng có nhu cầu được thể hiện nhiều hơn lắng nghe sao? Vậy thì khi lắng nghe ai đó, chính là cấp bậc cao nhất của sự nuông chiều rồi. Nếu bạn hỏi mình, thế nào là nuông chiều người yêu, hãy lắng nghe người đó nhiều hơn.
LIỆU NUÔNG CHIỀU AI ĐÓ HẾT LÒNG CÓ ĐÁNG KHÔNG???
Chúng ta thường khuyên nhau “Yêu ai đó đừng yêu quá hết lòng vì nếu như đặt nhầm người, mọi công sức đều đổ sông đổ bể”. Đúng! Nhưng chưa đủ, chỉ đúng 30%.
Chúng ta lo lắng nếu như yêu người khác hơn mình, nhưng họ không yêu mình đủ thì chúng ta thiệt thòi. Thực ra cũng chỉ là do bạn kỳ vọng ở người ta quá nhiều mà thôi. Tình yêu không phải vật chất không thể đếm bằng số lượng, cũng không thể cân ký để biết bên nặng bên nhẹ.
Và thực tế, mình cũng không nghĩ rằng chúng ta yêu thương ai đó nhiều hơn mình là một điều sai trái cả. Ví dụ như cái cách nuông chiều của bố mẹ mình dành cho nhau chẳng hạn. Chiều hư nhau cả đấy. Ông thì hiếm khi làm việc nhà, đến cả một bộ quần áo cũng chưa từng gấp bao giờ, một cái chén. Mẹ thì mỗi khi tới tháng
Chẳng cần biết người được chiều chuộng có biết hay không, nhưng người ngoài nhìn vào, ai ai cũng học được thế nào là cách để tận tâm chăm lo cho ai đó, thế nào là dùng hết mọi tâm huyết để đối xử với người mà mình yêu thương.
Vất vả đó nhưng không thấy mệt, chỉ thấy vui, vui vì xứng đáng. Và hãy tập nuông chiều ai đó, để bạn sau này có thể dễ dàng cảm nhận khi có ai đó đang 'cố tình' chiều bạn.
Tác Giả: Bunny
Link nội dung: https://uia.edu.vn/cung-chieu-la-gi-a71596.html