Ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp là một ngành học đang có nhu cầu cao về nhân lực, bởi ngành học này rất đang dạng về việc làm, ngoài việc dạy học, các bạn còn có thể làm những việc liên quan đến kỹ thuật, cơ khí, điện tử... Vì vậy, trong những năm gần đây, ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp được nhiều bạn trẻ quan tâm và theo học.
1. Tìm hiểu ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp
Kỹ thuật Công nghiệp là ngành sử dụng các kỹ thuật và công nghệ sản xuất để làm cho quá trình sản xuất nhanh hơn, đơn giản hơn và hiệu quả hơn.
Ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp (tiếng Anh là Industrial Technique Teacher Education) là ngành đào tạo giáo viên giảng dạy trong lĩnh vực giáo dục kỹ thuật và dạy nghề cũng như nghiên cứu ứng dụng Công nghệ thông tin vào dạy học, thích ứng với thách thức và cơ hội mà cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại cho giáo dục hiện đại.
Chương trình đào tạo ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp trang bị cho sinh viên các kiến thức nền tảng kỹ thuật cốt lõi trong lĩnh vực Công nghệ Kỹ thuật Công nghiệp như cơ khí chế tạo máy, điện, thủy lực khí nén, gỗ, quản trị sản xuất, bảo trì bảo dưỡng, thiết kế sản phẩm, marketing... Đặc biệt là các môn chuyên sâu về lĩnh vực kiểm tra đánh giá vật liệu, công nghệ kim loại, xử lý và hóa bền bề mặt.
2. Các khối thi vào ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp
- Mã ngành: 7140214
- Các tổ hợp môn xét tuyển vào ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp:
A00: Toán, Vật lí, Hóa học
A01: Toán, Vật lí, Tiếng Anh
A16: Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn
B00: Toán, Hóa học, Sinh học
D01: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh
D90: Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh
*Xem thêm: Các tổ hợp môn xét tuyển Đại học - Cao đẳng
3. Điểm chuẩn ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp
Các bạn có thể tham khảo mức điểm chuẩn của các trường đại học đào tạo ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp những năm gần đây. Trong năm 2018, mức điểm chuẩn của ngành này từ 17 - 20 điểm tùy theo các khối thi xét theo kết quả thi THPT Quốc gia hoặc tổ hợp môn xét theo học bạ.
4. Các trường đào tạo ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp
Ở nước ta hiện nay chưa có nhiều trường đào tạo ngành Sư phạm Công nghiệp, các bạn có thể đăng ký nguyện vọng vào các trường sau:
Đại học Bách khoa Hà Nội
Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng
Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long
5. Cơ hội việc làm ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp
Sau khi ra trường, sinh viên ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp có nhiều cơ hội việc làm và có đủ năng lực đảm nhiệm các công việc sau:
Giảng dạy môn công nghệ và làm công tác giáo dục học sinh ở các trường THPT, các trung tâm dạy nghề, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp dạy nghề, các trường trung cấp nghề…
Quản lý phòng thiết bị ở các trường THPT.
Làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất hoặc dịch vụ kỹ thuật, các cơ sở đào tạo nghề có liên quan đến lĩnh vực cơ khí chế tạo máy, cơ khí động lực, điện Công nghiệp, điện tử.
Tham gia thực hiện đề tài, các chương trình nghiên cứu khoa học ở nhiều cấp với các quy mô khác nhau nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến giáo dục trong tiến trình phát triển Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn...
Có thể trở thành cán bộ kỹ thuật tại các cơ sở sản xuất tư nhân và các trung tâm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật nông lâm ngư nghiệp, Công nghiệp
6. Mức lương ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp
Đối với những bạn tham gia giảng dạy tại các trường học thuộc hệ thống trường học công lập hay làm việc trong các cơ quan nhà nước thì mức lương sẽ được tính theo quy định của nhà nước. Còn đối những bạn giảng dạy tại các trường học dân lập thì mức lương khởi điểm từ 5 - 7 triệu đồng/ tháng và tùy thuộc vào năng lực, kinh nghiệm làm việc sẽ có mức lương cao hơn.
Ngoài ra, nếu bạn làm việc tại các doanh nghiệp về kỹ thuật Công nghiệp sẽ có mức lương khởi điểm từ 7 - 10 triệu đồng/ tháng hoặc có thể cao hơn tuy thuộc vào năng lực và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật Công nghiệp.
7. Ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp cần có tố chất gì?
Để học tập và thành công trong ngành Kỹ thuật Công nghiệp, bạn cần hội tụ các tố chất sau:
Cẩn thận, kiên trì;
Siêng năng, tận tâm với công việc;
Đam mê máy móc, kỹ thuật;
Có tinh thần hợp tác, khả năng làm việc theo nhóm và chịu được áp lực công việc cao;
Có khả năng học tốt các môn Khoa học Tự nhiên;
Khả năng truyền đạt tốt trên cả hai phương diện nói và viết;
Có tâm huyết với nghề, có đạo đức và tấm lòng trong sáng;
Yêu nghề dạy học, thương yêu, tôn trọng, chăm sóc, đối xử công bằng với mọi học sinh, được học sinh tin yêu.
Bài viết đã giới thiệu cho bạn đọc những thông tin cơ bản về ngành Sư phạm Công nghiệp, mong rằng các bạn sẽ có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân.