Chó con 2 tháng tuổi trở lên sẽ được tách mẹ, về nhà mới. Vậy để chăm sóc chó con khoẻ mạnh, thông minh, nhanh nhẹn, các SEN cần làm và lưu ý những gì?
Khi các SEN quyết định nuôi 1 chú chó con thì việc tìm hiểu cẩn thận các kiến thức, kinh nghiệm về cách chăm sóc chó con là cực kỳ quan trọng để giúp cho chó con phát triển khoẻ mạnh, nhanh nhẹn và vui vẻ trong suốt cuộc đời của chúng.
Tìm hiểu cách chăm sóc chó con phù hợp
Đọc thêm: Cần chuẩn bị gì trước khi đón chó con về nhà.
Nếu bạn đón chó con từ các trại cứu hộ hoặc từ gia đình có chó mẹ sinh sản thì việc kiểm tra sức khoẻ cho chó con là cực kỳ quan trọng, giúp kiểm tra tình trạng sức khoẻ của chó con, tiêm phòng và sổ giun cho chúng, ngoài ra bác sỹ thú y sẽ tư vấn cho bạn cách chăm sóc chó con phù hợp và tốt nhất.
Nếu trong nhà đang nuôi thú cưng chó, mèo khác thì việc kiểm tra sức khoẻ nên thực hiện trước khi đưa chúng về nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh từ hoặc cho thú cưng khác.
Nếu chó con mua từ các Petshop thì hãy yêu cầu cung cấp sổ tiêm phòng, lịch sổ giun của chó con. Lưu ý, để chó con được khoẻ mạnh nhất, chỉ nên chọn mua chó con từ 2 tháng tuổi trở lên, đã được tiêm phòng 2 mũi (mũi 5 bệnh và mũi 7 bệnh) và đã được sổ giun.
Chuẩn bị cho chó con một không gian để ngủ có thể là chuồng inox, chuồng quây sắt tĩnh điện hoặc chỉ cần ổ (đệm) nhưng cần đảm bảo ở vị trí thoáng mát, đủ ánh sáng, không bị ướt hay bị ánh nắng chiếu trực tiếp. Ngoài ra cần lưu ý tránh để chó con ở vị trí cao, nguy hiểm như ban công, cầu thang, cạnh cửa sổ.
Chuẩn bị cho chó một không gian để ngủ
Đối với các chú chó xứ lạnh lông dày, nhiều như: Husky, Alaska, Samoyed, Becgie… có thể cho nằm quạt, nhưng nên bật quay tránh hướng trực tiếp vào chó con, hoặc nếu ngủ máy lạnh thì nên chuẩn bị nhà đệm ấm áp và lưu ý nhiệt độ không dưới 25 độ C.
Với các chú chó nhỏ, lông mỏng, hay sợ lạnh như Chihuahua, chó Yorkshire, chó Pug, chó Poodle… thì cần chuẩn bị ổ đệm ấm áp, và mặc thêm áo vào ban đêm.
Để giải trí cho chó con, có thể mua thêm một ít đồ chơi đặt vào chỗ ngủ hoặc chuồng của chúng.
Nên hạn chế cột xích và nhốt vào chuồng nhiều nhất có thể.
Cung cấp đồ chơi để giải trí cho chó con
Trong những đêm đầu tiên xa mẹ, xa chủ cũ chó con có thể kêu sủa suốt đêm, thay vì lớn tiếng, quát nạt hay đánh chó con để bắt chúng yên lặng thì thỉnh thoảng nên âu yếm, vuốt ve nhẹ nhàng để chó con đỡ sợ và quen với bạn hơn.
Khi vừa mới mang chó con về nhà bạn không nên tắm cho chúng bằng nước ngay (dù là nước nóng), vì chó con còn mệt, yếu sau thời gian vận chuyển dài hoặc thay đổi khí hậu đột ngột. Tắm lúc này sẽ dễ có khả năng bị viêm phổi và các bệnh truyền nhiễm khác.
Nếu chó quá bẩn, hôi, bắt buộc phải tắm thì hãy dùng bột tắm khô cho chó, và hết sức nhẹ nhàng, vừa tắm vừa trò chuyện với chó con để chúng không bị hoảng sợ, nếu Cún có dấu hiệu sợ sệt, không hợp tác thì hãy dừng lại.
Khoảng 5-7 ngày, khi chó con ổn định sức khoẻ, thích nghi với khí hậu ở môi trường mới và quen với chủ mới thì bạn có thể tắm cho chó con bằng nước ấm. Chó con không nên tắm quá nhiều, 1-2 tuần 1 lần là đủ.
Chó con mới đón về nhà nên duy trì đồ ăn cũ trong 3-5 ngày đầu và xen kẻ thêm đồ ăn mới mà bạn muốn thay đổi cho chó con vào. Chó con từ 2-4 tháng tuổi nên cho ăn khoảng 3-4 bữa/ngày, mỗi bữa không nên cho ăn quá no. Theo dõi chó con vừa ăn hết bát và cảm giác vẫn muốn ăn thêm tức là chúng đã ăn đủ.
Chó con nên được cho ăn từ 3-4 bữa/ngày
Đặc biệt, khi chó con ăn không hết hoặc có biểu hiện chán ăn thì nên cất đồ ăn đi, không để đồ ăn thừa và cũng không để sẵn đồ ăn trong bát. Bát ăn, bát đựng nước cho chó con phải được rửa sạch sẽ.
Có thể cho chó con uống thêm sữa ấm, lưu ý nên cho uống sữa bột pha với nước ấm, không nên uống sữa tươi, chó con sẽ dễ bị đau bụng.
Nước sạch luôn có đầy đủ trong bát nước của chó con.
Khi chó con có những biểu hiện khác thường như: ói (nôn), chán ăn, bỏ ăn, buồn rầu, tiêu chảy thì hãy dừng cho ăn và liên hệ với bác sỹ thú y ngay.
Đọc thêm: Chọn thức ăn cho chó con phù hợp
Thực hiện đúng lịch tiêm phòng và sổ giun theo hướng dẫn của bác sỹ thú y. Đối với tiêm phòng bạn nên mang chó con đến cơ sở thú y, còn sổ giun thì bạn có thể mua viên sổ về cho chó con ăn/nhai, đa phần các viên sổ giun cho chó có mùi thơm nên khá hấp dẫn các bạn cún.
Thực hiện đúng lịch tiêm phòng cho chó con
Hai căn bệnh nguy hiểm nhất và được xem là “án tử” cho chó con khi mắc bệnh đó là bệnh Parvo và bệnh Care.
Hiện nay, thú y vẫn chưa có thuốc đặc trị cho 2 bệnh này, do đó điều cần thiết là tiêm phòng và hạn chế cho chó con của bạn tiếp xúc với các nơi có thể tiềm ẩn nguồn bệnh như ở thú y khi đi tiêm phòng nên đặt chó con trên khăn lông, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bàn thú y; hay hạn chế cho chó con tiếp xúc với chó lạ ở công viên hay các trại chó, trại cứu hộ…
Bên cạnh đó, khi chó con có bất cứ dấu hiệu nào bất thường liên tục trong 2-3 ngày, bạn cần mang đến thú y để chẩn đoán, thăm khám ngay lập tức.
Đọc thêm: Dấu hiệu bệnh Parvo ở chó con và cách phòng ngừa
Chó con mới về nhà sau bạn có thể dạy cho chúng biết ngay tên của mình và các mệnh lệnh cơ bản như “ngồi”, “đứng yên”, “nằm”, “đi ra”, “đi vào”, “không được”. Về cơ bản, chó con chỉ mất khoảng 1 tuần hơn để nhận biết được tên gọi và các mệnh lệnh cơ bản này, chỉ cần bạn kiên nhẫn và liên tục với chúng.
Ngoài ra, để tập thói quen vận động cho chó con và giúp chúng nhanh nhẹn, thông minh hơn bạn nên dành khoảng 15ph mỗi ngày để chơi với chúng.
Các trò chơi đơn giản như ném nhặt bóng, đuổi bắt, chạy bộ hoặc nếu không có thời gian có thể thả cho chó chơi tự do khám phá xung quanh, nhưng phải trong tầm mắt của bạn và tránh các khu vực nguy hiểm như đường lớn, hồ nước, cống rãnh, hoặc các chú chó to, hung dữ khác.
Cho chó con vận động để nhanh nhẹn hơn
Thời điểm tốt nhất cho chó con vận động là buổi sáng, có thể cho chó con chạy nhảy ngoài nắng từ 6h30-7h30, rất tốt cho sức khoẻ; hoặc buổi tối sau khi ăn.
Bên cạnh đó, một thói quen ở chó con cần được huấn luyện ngay từ đầu chính là đi vệ sinh đúng chỗ.
Chó con thường bị hấp dẫn với các loại thức ăn ôi thiu, thức ăn thừa của mèo, rác, phân… hoặc rất thích nghịch nước tiểu hay phân của mình.
Trong vài tuần đầu hãy theo dõi chúng đi vệ sinh hay lúc thả tự do bên ngoài và phản ứng ngay khi thấy chúng có tật xấu này. Ngay lập tức dùng mệnh lệnh “Không được” hoặc “Đừng” để thông báo cho chó con, sau đó đưa chúng ra khỏi nơi bẩn.
Chó con rất thích cắn gót chân người hay gặm, nhai, các đồ vật như giày dép, ghế đệm, sofa… việc này không chỉ thiệt hại kinh tế mà còn có nguy cơ chó con nuốt phải sẽ gây độc, tắt đường tiêu hoá.
Tuy nhiên, đây là hành vi bình thường ở các chú chó con, do đó thay vì hãy cung cấp cho chúng các đồ chơi hay các đồ dùng dành riêng cho chó nhai gặm.
Nhai cắn đồ đạc là hành vi phổ biến ở chó con
Lưu ý khi dạy chó con, không nên dùng cây, gậy, hay chổi để đánh chúng, chó con sẽ bị đau và càng sợ sệt khi bạn đến gần hoặc hung dữ hơn là phản ứng lại với bạn.
Thực tế thì chó con sợ âm thanh to hơn là bị đánh, thế nên, nếu phải đánh chúng thì mẹo cho bạn là hãy dùng tờ giấy báo cuộn lại, tờ báo sẽ không đau nhưng phát ra tiếng to sẽ làm cho chó con “nhớ đời” hơn.
Ngoài ra, có thể khen thưởng bằng treat (bánh ngọt cho chó, thức ăn…) để khuyến khích mỗi khi chó con nghe lời bạn và đừng quên các khẩu lệnh “tốt”, “giỏi”, “ngoan” và xoa đầu, vuốt ve. Chó con rất gần gũi và nghe lời nếu cảm thấy chủ tình cảm với chúng.
Chó không chỉ là vật nuôi, hay thú cưng trong gia đình mà còn là một người bạn nhỏ gắn bó với chúng ta trong một thời gian dài.
Cuộc sống của chúng sẽ phụ thuộc vào chủ, do đó hãy thật sự có trách nhiệm trong việc chăm sóc chúng nhé, hành trình này không hề đơn giản nhưng chắc chắn sẽ có rất nhiều trải nghiệm thú vị.
Link nội dung: https://uia.edu.vn/cach-nuoi-cho-con-a71506.html