Theo Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam (Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam), trong dân gian lưu truyền rằng cách đây gần 200 năm có một bọn quấy nhiễu biên giới đến núi Sam gặp tượng Bà ở gần trên đỉnh Núi Sam. Chúng nổi lòng tham tìm cách đem đi nhưng chỉ xê dịch được một đoạn nên tức giận đập phá làm gãy cánh tay trái của pho tượng.
"Sau khi chúng bỏ đi, dân làng với lòng tín ngưỡng đã huy động hàng trăm người lực lưỡng lên đưa tượng xuống núi để phụng thờ và gìn giữ, nhưng làm cách nào cũng không lay chuyển được. Lúc này, một người thiếu nữ tự xưng là Chúa Xứ thánh mẫu mách cho dân làng biết rằng muốn đem bà xuống núi cần 9 cô gái đồng trinh. Quả thực, khi các cô gái đến khiêng tượng Bà trở nên nhẹ nhàng, đem xuống dễ dàng. Đến chỗ miếu Bà tọa lạc hiện nay, tượng bỗng nặng trịch, không nhấc lên được nữa. Dân làng nghĩ rằng Bà muốn ngự tại đây nên lập miếu thờ. Hôm đó là ngày 25/4 âm lịch, và dân làng lấy ngày này làm lễ vía Bà”, đại diện Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam kể lại câu chuyện lưu truyền trong nhân gian.
Ban đầu, Miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng phía tây bắc núi Sam, lưng quay về vách núi, chánh điện nhìn ra con đường làng và cánh đồng bát ngát. Sau nhiều lần trùng tu, miếu càng ngày càng khang trang. Năm 1870, miếu được xây dựng bằng gạch hồ ô dước, bắt đầu thu hút khách thập phương đến cúng viếng. Năm 1962, ngôi miếu được tu sửa khang trang bằng đá miếng và lợp ngói âm dương. Năm 1965, Hội Quý tế cho xây nới rộng nhà khách và làm hàng rào nhà chính điện của ngôi miếu. Năm 1972, ngôi miếu được tái thiết lớn và hoàn thành vào năm 1976, tạo nên dáng vẻ như hiện nay. Kiến trúc miếu có dạng chữ "Quốc", hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại màu xanh ngọc.
Theo Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam, nguồn gốc tượng Bà Chúa xứ đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Theo diễn giải của các vị bô lão, tượng Bà xưa kia ngự trên đỉnh núi Sam, gần Pháo Đài. Chứng minh cho điều này là bệ đá vẫn còn tồn tại và ngày nay được bảo vệ như một chứng tích. Hiện nay, bệ đá (nơi đặt tượng Bà ngày xưa) ở phía Đông nam đỉnh núi Sam được nhiều người đến chiêm bái. Bệ đá hình vuông, cạnh 1,6m, dày khoảng 0,3m, chính giữa có lỗ vuông.
Tượng Bà cao 1,48m, chu vi 1,3m. Theo nhà khảo cổ học người Pháp là Malleret (đến nghiên cứu vào năm 1941) thì tượng Bà Chúa Xứ núi Sam thuộc loại tượng thần Vishnu, tạc dáng người nghĩ ngợi, quý phái. Chất liệu tượng bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao, được tạc vào cuối thế kỷ VI.
Ông Trịnh Minh Hải - Tổ trưởng Tổ văn phòng, Ban quản trị lăng miếu núi Sam cho biết, hàng năm, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, cầu nguyện với mong ước mạnh khoẻ, hạnh phúc, bình an… Số tiền du khách thập phương chiêm bái cúng hỉ, đóng góp trùng tu tôn tạo được Ban Quản trị lăng miếu núi Sam quản lý chặt chẽ, công khai minh bạch.
“Trong năm 2023, miếu Bà đón khoảng hơn 5,2 triệu lượt khách. Từ đầu năm 2024 đến này, miếu Bà đón hơn 5,3 triệu lượt khách, tổng nguồn thu công đức năm 2024 tính đến nay là trên 190 tỷ đồng. Hoạt động xã hội cũng là việc làm thường xuyên của miếu Bà như xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà tình nghĩa; đóng góp quỹ khuyến học, hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi…. Trong năm 2024, Ban quản trị lăng miếu núi Sam cho hơn 8,5 tỷ đồng cho các công tác an sinh xã hội. Mới đây, Ban quản trị lăng miếu núi Sam vừa trao bảng tượng trưng đăng ký ủng hộ 6 tỷ đồng để tỉnh An Giang xoá nhà tạm, nhà dột nát”, ông Trịnh Minh Hải thông tin.
Ông Trịnh Minh Hải thông tin thêm, du khách đến miếu Bà đông nhất là vào dịp Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam hằng năm (diễn ra từ ngày 22/4 - 27/4 âm lịch). Từ năm 2024, Ban Quản trị lăng miếu núi Sam phục vụ cơm chay miễn phí cho du khách vào ngày rằm hàng tháng. Cũng từ năm 2024, Ban Quản trị lăng miếu núi Sam còn phục vụ nước ép trái cây miễn phí cho du khách.
“Nguồn trái cây làm nước ép lấy từ những mâm quả người dân mang đến cúng Bà. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Ban Quản trị lăng miếu núi Sam cho nhân viên tập huấn và được cấp chứng nhận đầy đủ”, ông Trịnh Minh Hải chia sẻ.
Theo thông lệ, lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được tổ chức từ ngày 22 đến 27/4 âm lịch. Thời gian được chọn làm ngày vía Bà được giải thích là ngày tượng Bà an vị sau khi khiêng từ trên núi xuống. Trước đây, áo mão được dùng mặc cho tượng Bà trong Lễ hội Vía Bà do Ban Quản trị lăng miếu núi Sam chọn lựa, nhưng trong những năm gần đây theo nguyện vọng của khách thập phương, hằng năm Ban Quản trị chọn ngày 19/2 âm lịch tổ chức lễ bốc thăm dâng áo, mão cho tượng Bà, phục vụ Lễ hội Vía Bà và hàng tháng trong năm đến để bắt thăm công khai, chọn 1 mão 4 áo cho đêm 23 đến đêm 26/4 âm lịch. Sau đó, sẽ mặc tiếp các áo dâng cúng còn tồn đọng từ ngày lễ hội.
Chương trình lễ Vía Bà được tiến hành theo trình tự sau: Lễ tắm Bà (lúc 24h ngày 23/4 âm lịch); Lễ thỉnh sắc (ông Thoại Ngọc Hầu) từ lăng mộ về miếu Bà (cử hành lúc 15h, ngày 25/4 âm lịch); Lễ Túc yết và Lễ Xây chầu (lúc 24h ngày 25/4 âm lịch); Lễ Chánh tế (27/4 âm lịch) và Lễ hồi sắc (đưa sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ miếu Bà về lăng mộ, ngày 27/4 âm lịch).
Năm 2014, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2023, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được vinh danh là “Hoạt động văn hóa tiêu biểu Châu Á - Thái Bình Dương”.
Ngày 4/12/2024, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhờ tính gắn kết cộng đồng và thúc đẩy bình đẳng giới.
Theo Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đáp ứng ghi danh tại Danh sách di sản phẩm văn hóa phi vật thể với 5 tiêu chí.
Các tiêu chí gồm: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được cộng đồng người Kinh, Khmer, Chăm và Hoa tại thành phố Châu Đốc tổ chức; Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, bình đẳng giới, phát triển kinh tế toàn diện, cũng như thúc đẩy hành động bảo vệ bền vững môi trường và khí hậu, bảo vệ hòa bình và gắn kết xã hội; Nhà nước đã đề xuất sản xuất các biện pháp bảo vệ; Hồ sơ bầu cử đã xác định vai trò của các cơ sở, nhân vật đại diện cộng đồng; Di sản được đưa vào danh mục quốc gia di sản văn hóa phi vật thể và danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của An Giang.
Link nội dung: https://uia.edu.vn/mieu-ba-chua-su-a70348.html