Thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu được định giá 1,007 tỷ USD vào năm 2023, và hướng đến con số 1,107 tỷ USD vào năm 2024. Với CAGR
Thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu được định giá 1,007 tỷ USD vào năm 2023, và hướng đến con số 1,107 tỷ USD vào năm 2024. Với CAGR ước tính 10,11%, thị trường này được dự đoán đạt 2,394 tỷ USD vào năm 2032. Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhờ sự đa dạng ngành nghề và giàu tài nguyên. Vậy, làm sao để có thể tối ưu được những ưu thế này?
Bài viết này sẽ tổng quan thị trường xuất khẩu thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam, bao gồm các kênh truyền thống và thương mại điện tử.
>>> Đọc thêm: BÁO CÁO TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG ĐỒ NỘI THẤT: XU HƯỚNG & TRIỂN VỌNG
Quy mô thị trường thủ công mỹ nghệ Việt Nam được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trường vào khoảng 8.70% trong giai đoạn 2024 - 2032. Đây là con số thấp hơn mức tăng trưởng ngành toàn cầu, cho thấy ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam còn sơ khai và nhiều dư địa phát triển.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 5.400 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận với nhiều mô hình sản phẩm khác nhau, ví dụ như: mây tre đan, gốm sứ, thêu dệt, đúc đồng, trạm khắc gỗ, trang sức, đá quý. Doanh thu của các làng nghề này rơi vào khoảng 75 nghìn tỷ đồng, với hơn 2 triệu lao động.
Hiện nay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã được phổ biến rộng rãi ở thị trường trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp Come Home thuộc tập đoàn Central Retail, chuyên cung cấp các sản phẩm nội thất, có 76% là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đây cũng là sản phẩm chủ đạo của chương trình OCOP đang được các ban ngành thúc đẩy trong các năm gần đây.
Là một ngành được kỳ vọng thay đổi nền kinh tế vùng quê ở Việt Nam, cũng như duy trì các bản sắc văn hóa Việt, ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam có nhiều động lực phát triển như:
Lượng di sản văn hóa đồ sộ của Việt Nam có đóng góp đáng kể đến với sự phát triển của ngành thủ công mỹ nghệ. Sự đa dạng trong văn hóa của đất nước ta đã góp phần tạo nên sự đa dạng trong các ngành nghề truyền thống, đặc biệt là các làng nghề cổ truyền có tác động rất lớn trong quá trình xây dựng thị trường thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam.
Với lịch sử phát triển lâu đời, ngành thủ công mỹ nghệ của Việt Nam có lượng nhân lực dồi dào và lành nghề trải dài trên nhiều lĩnh vực. Số lượng nhân lực chất lượng cao này phủ rộng trên 200,000 làng nghề trên khắp cả nước, góp phần không nhỏ vào việc phát triển và lưu giữ các truyền thống văn hóa.
Sau giai đoạn khủng hoảng, nhu cầu du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế đã có những dấu hiệu phục hồi và phát triển. Sự trở lại của ngành du lịch cũng là một trong những động lực cơ bản thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ, khi các mặt hàng này thường được sử dụng như quà lưu niệm cho các chuyến đi chơi.
Dưới tác động của giai đoạn Covid-19 và khủng hoảng, nhu cầu cho các hoạt động trong nhà ngày một tăng lên. Điều này dẫn đến những nhu cầu trang trí nhà ở và các vật dụng trong gia đình, tạo ra cơ hội cho các ngành nghề thủ công liên quan.
Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng các vật liệu tự nhiên cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu sử dụng. Xu hướng này không chỉ giới hạn trong nước mà còn ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu, là động lực xuất khẩu chính cho ngành.
Bên cạnh những động lực thúc đẩy đáng chú ý, ngành thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, điển hình như:
Về cơ bản, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ hầu hết được xuất phát từ quy mô hộ gia đình, dần tiến lên thành mô hình làng xã. Do đó, các thương hiệu thủ công mỹ nghệ thường có xu hướng hình thành theo khu vực, ví dụ như làng gốm Bát Tràng, làng lụa Hà Đông, làng nón Tây Hồ,… Do đó, các làng nghề chưa thực sự được xây dựng thương hiệu và quy trình bài bản, cập nhật về chiến lược phát triển.
Do thiếu đi các hoạt động đầu tư bài bản, việc tiếp cận thị trường là vô cùng khó. Sự yếu kém về mặt thương hiệu khiến cho sản phẩm khó tìm được đầu ra, giá thành không cao dù chất lượng rất tốt.
Các kênh online cũng chưa được tận dụng triệt để. Hầu hết đầu ra của các sản phẩm làng nghề phụ thuộc vào các công ty thương mại, thiếu đi sự chủ động. Điều này cũng do sự đầu tư chưa thực sự bài bản cho việc phát triển làng nghề truyền thống.
Thủ công mỹ nghệ là một phần của ngành trang trí nội thất, do đó, xu hướng sản phẩm sẽ thay đổi theo thị hiếu của người tiêu dùng. Việc xu hướng thay đổi nhanh chóng cũng làm một khó khăn không nhỏ cho ngành thủ công mỹ nghệ, do đặc điểm nhỏ lẻ và chưa được tiếp cận tốt với các thông tin mới.
Mặc dù có những điểm chưa tốt, tuy nhiên, ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng chưa được khai phá. Trong năm 2023, các sản phẩm mây tre đan đạt kim ngạch xuất khẩu 733 triệu USD, là thị trường xuất khẩu sản phẩm mây tre đan lớn thứ 4 thế giới.
Du lịch cũng đang trong giai đoạn phục hồi sau các tác động tiêu cực từ Covid-19. Cùng với các chính sách phát triển mô hình du lịch làng nghề, ngành thủ công mỹ nghệ cũng sẽ được phục hồi tích cực cùng với sự gia tăng của khách du lịch nước ngoài. Mô hình du lịch văn hóa này giúp thúc đẩy hình ảnh về Việt Nam và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt tới nước ngoài mạng mẽ, cũng như giúp đa dạng kinh tế cho các làng nghề, tạo tiền đề cho các bước tiến mới trong tương lai.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam thuộc top 3 trong khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, xu hướng thương mại điện tử tại Việt Nam đã lan rộng ra nhiều lĩnh vực, bao phủ cả phân khúc B2C và B2B, trong nước và quốc tế. Rất nhiều doanh nghiệp sau khi tham gia thương mại điện tử đã đạt nhiều thành công trên thị trường quốc tế như Công ty TNHH TM - DV Hành Sanh, Công ty cà phê Mê Trang, PNJ Group,…
Trên Alibaba.com, với từ khóa “bamboo” - tre, chúng ta có thể nhận được rất nhiều kết quả doanh nghiệp Việt đứng đầu. Điều đó cho thấy các sản phẩm Việt có thể cạnh tranh rất tốt so với các doanh nghiệp nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan trên các sản thương mại điện tử.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thể hiện sự độc đáo của văn hóa Việt. Và với sự phát triển của các ngành kinh tế trong tương lai, đây sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy hình ảnh của Việt Nam trên thị trường quốc tế, trên cả mặt văn hóa và kinh tế. Dưới các tác động của thị trường du lịch và thương mại điện tử, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sẽ vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.
>> Đọc thêm: NGÀNH THỦ CÔNG MỸ NGHỆ TRONG NỀN KINH TẾ VIỆT NAM
Bài viết tham khảo thông tin từ:
Khai phá tiềm năng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ - Pháp luật Việt Nam
Các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đẩy mạnh xuất khẩu - Truyền hình thanh hóa
Link nội dung: https://uia.edu.vn/hang-thu-cong-my-nghe-a70146.html