Bệnh ghẻ phỏng là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn. Bệnh dễ lây lan từ người sang người, dễ mắc phải ở các đối tượng khác nhau, nhiều nhất là trẻ em và phụ nữ. Vậy bệnh ghẻ phỏng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa như thế nào? Bác sĩ CKI Võ Thị Tường Duy, khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ thông tin trong bài viết này.
Ghẻ phỏng là bệnh gì?
Ghẻ phỏng (ghẻ bỏng) là bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn hình cầu gây ra, gây phồng rộp, đau rát, vết phồng chứa đầy bọng nước như bị phỏng. Là dạng nhiễm trùng da phổ biến, tốc độ tiến triển và lây lan nhanh chóng.
Tương tự như bệnh ghẻ do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei gây ra, ghẻ phỏng cũng lây lan từ người sang người qua tiếp xúc da kề da, dùng chung các đồ dùng cá nhân. Nguy hiểm hơn, ghẻ phỏng có thể lây qua tiếp xúc gần và nhanh chóng lây sang các vùng da lân cận. (1)
Nguyên nhân gây ghẻ phỏng
Nguyên nhân gây ghẻ phỏng là do nhiễm một loại vi khuẩn hình cầu chưa rõ. Vi khuẩn này xâm nhập vào da qua nhiều nguồn khác nhau. Nếu một người có móng tay dài, không giữ vệ sinh, bám nhiều đất, cũng có thể chứa vi khuẩn gây ghẻ bỏng. Chất nhầy từ mũi, họng, bị viêm cũng chứa vi khuẩn gây ghẻ bỏng,… Một số nguyên nhân gây ghẻ bỏng được xác định.
1. Tiếp xúc với môi trường đất có chứa vi khuẩn
Tiếp xúc với môi trường đất có chứa vi khuẩn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến ký sinh trùng, nhiễm khuẩn, trong đó có ghẻ bỏng. Vi khuẩn gây ghẻ bỏng có thể xuất hiện trong môi trường đất, bất kể đất đó ở đâu.
Đặc biệt là đất bám dưới móng tay người, lâu ngày không được vệ sinh, tích tụ rất nhiều vi khuẩn gây ghẻ bỏng. Khi gảy mạnh vào da, móng tay sẽ tạo ra những vết hằn, làm trầy xước da và khiến vi khuẩn từ móng lây sang da, gây bệnh. Khi xâm nhập vào da, vi khuẩn sẽ nhanh chóng phát triển, sinh sôi, gây bệnh và lây lan.
2. Tiếp xúc môi trường ô nhiễm, nhiều vi khuẩn
Môi trường ô nhiễm là nơi tập trung rất nhiều vi khuẩn gây bệnh, trong đó có khuẩn cầu gây ghẻ phỏng. Những môi trường chật hẹp, vệ sinh kém, thiếu nước sinh hoạt hoặc ô nhiễm, khói bụi,… khi tiếp xúc, rất dễ gây ghẻ bỏng trên da.
3. Tiếp xúc trực tiếp người bệnh
Ghẻ bỏng có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc kề da với người bệnh. Người tiếp xúc trực tiếp với bọng nước đã vỡ, quan hệ tình dục, da chạm da,… với người bị ghẻ phỏng có nguy cơ lây bệnh rất cao. Ngoài ra, bệnh ghẻ bỏng còn có thể lây qua tiếp xúc với các vật dụng người bệnh đã dùng như đồ dùng cá nhân, chăn màn, khăn, gối,…
4. Vệ sinh cơ thể kém
Vệ sinh cơ thể kém, không tắm rửa thường xuyên, cắt móng tay, vệ sinh da,… tạo điều kiện cho vi khuẩn hình cầu bám vào, gây bệnh ghẻ bỏng. Việc vệ sinh kém cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng gây các bệnh về da khác.
Đối tượng nào dễ mắc bệnh ghẻ phỏng?
Bất kỳ đối tượng nào cũng dễ mắc bệnh ghẻ phỏng. Đây là bệnh về da phổ biến, dễ lây lan trong 6 ngày trước khi phát bệnh và trong 2 tuần kể từ khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện.
1. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc ghẻ bỏng và các bệnh nhiễm trùng da khác. Trẻ trong độ tuổi vị thành niên, hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, có nguy cơ mắc ghẻ bỏng cao hơn.
2. Người lớn
Người lớn cũng là đối tượng bị mắc ghẻ bỏng, nhưng nguy cơ thấp hơn trẻ em, trẻ sơ sinh. Thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với người bệnh,… làm tăng nguy cơ bị ghẻ bỏng ở người lớn.
Triệu chứng bị ghẻ phỏng
Triệu chứng bị ghẻ phỏng bao gồm:
- Xuất hiện vệt đỏ, cảm giác sưng, đau tại vùng da bị vi khuẩn hình cầu tấn công.
- Các nốt mụn nước với nhiều kích cỡ khác nhau dần xuất hiện trên vùng da có vệt đỏ.
- Bên trong các mụn nước chứa dịch màu trắng đục, chúng tập trung thành từng chùm hoặc xuất hiện đơn lẻ.
- Mụn nước mọc thành chùm có thể dính vào nhau, tạo thành mảng mụn nước với kích thước lớn.
- Khi mụn nước vỡ sẽ đóng vảy, tiết nước vàng, sau đó khô cứng lại trên da.
Trong dịch tiết màu vàng và nước bên trong mụn nước do ghẻ phỏng chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh. Khi mụn nước vỡ, vi khuẩn sẽ nhanh chóng lây lan sang các vùng da lân cận, tiếp tục phát triển và hình thành những mụn nước mới.
Bệnh ghẻ phỏng có nguy hiểm không?
Bệnh ghẻ phỏng không nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, bệnh dễ lây lan trên diện rộng, tạo cảm giác mặc cảm, tự ti cho người bệnh. Không điều trị sớm hoặc điều trị không đúng cách, ghẻ phỏng gây tổn thương vĩnh viễn trên da, để lại sẹo.
Chẩn đoán bệnh ghẻ phỏng như thế nào?
Chẩn đoán bệnh ghẻ phỏng bằng khám lâm sàng, bác sĩ Da liễu - Thẩm mỹ Da dựa trên các triệu chứng điển hình của bệnh như nổi mụn nước, đau nhức,… để chẩn đoán tình trạng. Bác sĩ có thể hỏi người bệnh về bệnh sử của người bệnh, về cảm giác đau nhức xuất hiện tại vùng da bị ghẻ,… Từ đó, đưa ra phương án điều trị ghẻ bỏng phù hợp.
Phương pháp điều trị bệnh ghẻ phỏng
Phương pháp điều trị bệnh ghẻ phỏng được áp dụng tại các cơ sở y tế hiện nay chính là điều trị bằng thuốc bôi ngoài da kê đơn, kết hợp cùng chăm sóc và điều trị các triệu chứng tại nhà.
1. Điều trị ghẻ phỏng bằng thuốc
Điều trị ghẻ phỏng bằng thuốc cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ về liều dùng, đối tượng, những lưu ý liên quan. Người bệnh tuyệt đối không tự ý tìm mua và điều trị ghẻ bỏng tại nhà, tránh trường hợp không đáp ứng điều trị khiến bệnh tiến triển nặng, lây lan nhanh chóng, gây tổn thương da trên diện rộng, khó khắc phục.
1.1 Thuốc D.E.P
Thuốc D.E.P là loại được sử dụng điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng như ghẻ phỏng, ghẻ ngứa, ghẻ nước,… D.E.P là dạng thuốc bôi ngoài da, giúp giảm triệu chứng, ức chế quá trình phát triển của vi khuẩn và tiêu diệt chúng. Liều lượng, cách dùng và đối tượng sử dụng cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
1.2 Thuốc bôi Eurax 10%
Bác sĩ Da liễu - Thẩm mỹ Da có thể kê đơn thuốc bôi có thành phần Eurax 10% cho một vài trường hợp bị ghẻ phỏng, nhằm giảm triệu chứng ngứa, hạn chế việc gãi, cọ xát lên da khiến nhiễm trùng lan rộng. Liều lượng được bác sĩ cân nhắc dựa trên tình trạng nhiễm trùng trên da người bệnh, thuốc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn hình cầu gây ghẻ bỏng.
1.3 Thuốc bôi Benzyl Benzoat 3%
Tương tự như thuốc bôi Eurax 10%, thuốc bôi Benzyl Benzoat 3% cũng được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Benzyl benzoate là thuốc điều trị tại chỗ cho bệnh ghẻ và chấy rận. Không sử dụng benzyl benzoate trên các vết thương hở, chẳng hạn như vết cắt hoặc vết loét trên da hoặc da đầu.
2. Chăm sóc và điều trị tại nhà
Chăm sóc và điều trị tại nhà đối với ghẻ phỏng là phương án điều trị bổ sung, giúp người bệnh nhanh hồi phục, hạn chế lây lan bệnh, không có tác dụng thay thế điều trị chính. Trong quá trình điều trị ghẻ phỏng bằng thuốc bôi, bác sĩ khuyến khích người bệnh cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, chăm sóc và phòng ngừa lây nhiễm tại nhà.
- Thực hiện cách ly với những người xung quanh cho đến khi hoàn toàn khỏi bệnh, tránh lây nhiễm.
- Tắm nước ấm giúp làm giảm cảm giác sưng đau, ngứa trên da.
- Tuyệt đối không dùng chung đồ cá nhân, giặt chung hoặc phơi quần áo chung với người khác trong quá trình điều trị ghẻ phỏng, điều này có thể làm lây bệnh.
- Chú ý không làm vỡ các mụn nước, không gãi, cào, cọ xát trên vùng da bị ghẻ phỏng, rất dễ khiến bệnh lan rộng sang các vùng da lân cận.
- Luôn chú ý giữ vệ sinh cơ thể trước, trong và sau khi điều trị ghẻ phỏng. Trong thời gian điều trị, nên sử dụng các loại xà phòng dịu nhẹ để vệ sinh vùng da bị tổn thương.
- Mặc quần áo sạch sẽ, không thoáng, thấm hút mồ hôi tốt.
- Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, dọn dẹp thường xuyên.
Biện pháp ngăn ngừa ghẻ phỏng hiệu quả
Tương tự như các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng trên da khác, bệnh ghẻ phỏng không có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả và triệt để. Tuy nhiên, có thể hạn chế nguy cơ mắc ghẻ phỏng bằng cách thực hiện những lưu ý sau:
- Rửa tay sạch sẽ với xà phòng diệt khuẩn.
- Hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bệnh.
- Giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên tắm rửa, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với bùn đất, môi trường ô nhiễm.
- Tránh tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và dịch tiết từ vết loét ghẻ phỏng.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân, giặt đồ chung hoặc phơi quần áo chung với người bệnh.
- Không để móng chân, móng tay dài mà không được vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành, khoa học, đủ chất để nâng cao sức khỏe tổng thể, tăng khả năng đề kháng của hệ miễn dịch.
Một số câu hỏi liên quan
1. Bệnh ghẻ phỏng có để lại sẹo không?
Bệnh ghẻ phỏng có thể để lại sẹo vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời đúng cách. Vì các tổn thương do vi khuẩn lan rộng trên da, phá hủy cấu trúc da và gây tổn thương da vĩnh viễn, khi điều trị khỏi, ghẻ phỏng sẽ để lại sẹo. Ngược lại, nếu được điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh sẽ biến mất mà không để lại sẹo trên da.
2. Ghẻ phỏng có tự hết không?
Bệnh ghẻ phỏng không thể tự khỏi, nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, nhiễm trùng lan rộng nhanh chóng, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Cho nên, dù không đe dọa đến sức khỏe, nhưng người bệnh tuyệt đối không được chủ quan với căn bệnh nhiễm trùng da này.
3. Ghẻ phỏng có lây không?
Ghẻ phỏng có lây và rất dễ lây từ người sang người thông qua tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân, giặt chung hoặc phơi chung đồ với người bệnh. Chính vì vậy, bác sĩ thường yêu cầu người bệnh cách ly với những người xung quanh trong quá trình điều trị để tránh lây lan.
4. Khi nào cần đến bệnh viện?
Cần đến bệnh viện ngay khi có triệu chứng đầu tiên hoặc nghi ngờ bị ghẻ phỏng. Bị ghẻ phỏng cần đến bệnh viện, cơ sở y tế để được chẩn đoán, đánh giá tình trạng và điều trị kịp thời, ngay khi có các triệu chứng đầu tiên của bệnh như: xuất hiện các vệt đỏ, đi kèm cảm giác ngứa, sưng đau. Nổi mụn nước và mụn nước bị vỡ ra là tình trạng cần đến gặp bác sĩ gấp để được khắc phục nhiễm trùng, hạn chế bệnh lây lan sang các vùng da lân cận.
Điều trị ghẻ phỏng tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh với đội ngũ bác sĩ là các chuyên gia hàng đầu, sẽ giúp chẩn đoán và đánh giá tình trạng nhiễm vi khuẩn hình cầu trên da, gây ghẻ phỏng và có phương án điều trị loại bỏ nhiễm trùng nhanh chóng, hạn chế thấp nhất biến chứng và nguy cơ gây sẹo.
Hy vọng với những thông tin hữu ích mà bài viết vừa cung cấp đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh ghẻ phỏng, nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh.