Ai đó du lịch miền Tây mà chưa ghé chợ nổi thì coi chưa khám phá hết đồng bằng sông Cửu Long. Chợ nổi được xem như một nét văn hóa đặc trưng riêng của miền Tây sông nước. Nơi họp chợ được chọn thường là những điểm giao thương qua lại thuận tiện giao giữa các con kênh, con sông với mực nước không quá cao cũng không quá thấp. Ngay từ rất sớm, chợ đã tấp nập người mua, kẻ bán đi lại trên những con ghe/thuyền với đủ loại nông sản, hoa quả tươi và đủ thử mặt hàng khác được trao đổi ngay trên ghe. Tất cả tạo nên một bức tranh chợ sống động, nhộn nhịp khiến du khách vô cùng thích thú. Có thể điểm qua một số những chợ nổi nức tiếng miền Tây theo gợi ý dưới đây
1. Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)
Cách trung tâm thành phố 6km, cách bến Ninh Kiều 4km. Chợ thường họp từ 3h - 9h sáng. Khoảng 5h - 6h sáng là lúc chợ nhộn nhịp và từ 8h, chợ đã vãn vì thế du khách phải dậy từ rất sớm nếu muốn khám phá chợ. Nét nổi bật của chợ chủ yếu buôn bán các loại nông sản như: bưởi Năm Roi, sầu riêng Cái Mơn, dừa sáp Trà Vinh…Du khách có thể thuê thuyền máy đi tham quan chợ, tìm hiểu đời sống của người dân miền Tây, lênh đênh giữa vùng sông nước, ngắm nhìn mây trời, thưởng thức hoa quả xứ miệt vườn ngay trên ghe sẽ là những trải nghiệm không đâu có được.
2. Chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ)
Chợ nổi Phong Điền cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 17km về phía Đông Nam, nằm ngay ngã ba sông Cân Thơ và khúc phân lưu khỏi sông Hậu. Giống như Cái Răng, chợ cũng mở vào rất sớm từ khoảng 4h sáng đến 8h sáng và bày bán rất nhiều hoa trái xứ miệt vườn. Ngoài ra, có thể thấy một số những nông cụ quen thuộc khác được bày bán trên ghe như: xuồng, ghe, lá lợp nhà, dao, cuốc, lựa, chài, lưới…phục vụ việc đánh bắt.
3. Chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang)
Nằm ở thị xã Ngã Bảy, nơi giao nhau của bảy tuyến sông là Cái Côn, Mang Sá, Búng Tàu, Sóc Trăng, Xẻo Mông, Lái Hiếu và Xẻo Dong. Vì thế người dân ở đây vẫn quen gọi là chợ nổi Ngã Bảy. Đây có thể được coi là chợ nổi sầm uất nhất Hậu Giang với đủ thứ được bày bán từ hoa quả, động vật, đồ thủ công mỹ nghệ đến đồ gia dụng. Du khách có thể hòa mình trong khung cảnh vui tươi của chợ, mua một vài nông sản về làm quà và kết thúc chuyến mua sắm bằng việc ghé lại một chiếc ghe bên đường, thưởng thức một tô hủ tiếu hoặc bánh cuốn nóng, nghe câu vọng cổ miên man và ngắm nhìn cảnh sông nước miên man thật thi vị.
4. Chợ nổi Long Xuyên (An Giang)
Thuộc địa phận Mỹ Phước, Long Xuyên, tỉnh An Giang. Không đông đúc và sầm uất như những chợ nổi khác, chợ vì thế vẫn mang những nét nguyên sơ đậm chất miền Tây. Người dân ở đây thân thiện và không phải trả giá. Đây có thể là sự lựa chọn thích hợp cho du khách nào ưa sự bình yên, không thích ồn ào , náo nhiệt.
5. Chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long)
Chợ nổi Trà Ôn (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) là khu chợ nổi cuối cùng nằm trên dòng sông Hậu - thuộc một nhánh của sông Mê Kông trước khi đổ ra biển đông. Đây là khu chợ nổi tiếng lâu đời ở miền Tây, gắn liền với nhiều nét văn hóa của đồng bằng sông Cửu Long. Chợ hoạt động cả ngày, đông nhất từ 5 giờ - 6 giờ trở đi. Hoạt động như chợ đầu mối, buôn bán sỉ các mặt hàng mà phần nhiều là trái cây như chuối, ổi, cam sành Tân Thanh, sầu riêng Lục Sĩ Thành…và các thứ nông sản như khoai mỡ, khoai ngọt, dưa chuột, khổ qua. Từ đây, hàng theo thương lái chạy đi khắp các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Châu Đốc, Sóc Trăng, Cà Mau, TP Hồ Chí Minh… Một đặc trưng khác là chợ họp theo con nước, nước càng lên lớn thì xuồng ghe buôn bán càng thêm tấp nập.
Những lưu ý khi đi thăm chợ nổi:
- Chợ nổi thường bắt đầu từ rất sớm khoảng 3h - 4h sáng và đến khoảng 8 - 9h thì vãn chợ vì thế du khách cần phải chú ý thời gian khởi hành đi từ sớm. Khung giờ lý tưởng để có những tấm ảnh đẹp về chợ nổi là từ 5h đến 7h, khi người mua kẻ bán đi lại nhộn nhịp.
- Du khách đi tự túc nên tham khảo giá cả thuê ghe hoặc thuyền máy để tránh bị cò mồi, giá cao.
- Trong suốt chuyến tham quan, du khách nên tuân thủ mặc áo phao trong suốt quá trình di chuyển trên sông để đảm bảo an toàn.
- Trang phục đi chợ nên gọn gàng, thoải mái. Giày dép nên lựa chọn những loại không thấm nước, dễ đi, thuận tiện di chuyển lên xuống ghe xuồng.
- Chuẩn bị nón rộng vành, khẩu trang, kem chống nắng và một số loại thuốc phòng đau đầu, say nắng, đau bụng, dị ứng…
- Miền Tây nổi tiếng nhiều muỗi, mang theo kem xịt chống muỗi là rất cần thiết.
- Nếu du khách có ý định mua trái cây, đặc sản hoặc thưởng thức món ngon ở chợ thì nên tham khảo giá trước, tránh trường hợp bị chặt chém.
Du khách có thể tới thăm miền Tây vào bất kì mùa nào trong năm nhưng có lẽ mùa nước nổi vẫn là mùa thích hợp nhất kéo dài từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 11. Vào mùa nước nổi, nông sản vô cùng đa dạng phong phú với đủ loại hoa quả trái cây hấp dẫn. Không khí trên bến dưới thuyền đông vui nhộn nhịp hơn ắt hẳn sẽ là những trải nghiệm vô cùng thú vị cho những chuyến đi khám phá miền Tây sông nước trong hành trình sắp tới của bạn.