Quả máu ở thôn Mào Sán Cáu là dạng cây dây leo. Lá cây quả máu hình dạng như lá cây củ mài. Quả máu khi chín có màu đỏ như son. Chất dịch dinh dưỡng bên trong quả máu có màu đỏ như máu. Từ xưa tới nay, đồng bào dân tộc Dao, nhất là chị em phụ nữ và trẻ em rất thích ăn quả máu.
Theo kinh nghiệm của đồng bào Dao ở vùng Quảng An, phụ nữ, trẻ em ăn quả máu da dẻ hồng hào, bổ huyết. Đối với đàn ông, ngoài việc ăn chơi chơi thì có thể dùng quả máu để ngâm rượu.
“Trước khi ngâm rượu, dùng dao nhỏ bổ nhẹ quả máu từ phía rốn theo hình dấu nhân rồi cho vào bình. Quả máu sau 3 tháng ngâm rượu tỏa ra một mùi thơm rất riêng biệt. Kinh nghiệm của đồng bào Dao thôn Mào Sán Cáu thì uống rượu ngâm quả máu cũng bổ huyết”, anh Lỷ A Tài, Trưởng thôn Mào Sán Cáu, đồng thời cũng là người đang sở hữu 1 cây quả máu lâu năm cho biết.
Quả máu sau khi người dân hút hết chất dịch đỏ như máu ở bên trong.
Cây quả máu của nhà anh Lỷ A Tài được di thực từ rừng về trồng trong vườn cách đây 10 năm. Cây leo lên cây mít nhà anh Tài. Theo Lỷ A Tài, năm nào cây quả máu cũng ra quả. Quả mọc từng chùm từ gốc cho đến ngọn, có hình bầu dục, thuôn về phía cuống.
Khi chùm quả máu còn nhỏ và xanh trông giống như chùm nho xanh. Khi chín, chùm quả chuyển dần từ màu xanh sang màu phớt hồng trông như chùm quả nhót và khi chín đủ thì chuyển sang màu đỏ tươi như máu và chín kỹ chuyển sang màu tím đen...
Quả máu mọc thành chùm trông xa như chùm nhót.
Điểm đặc biệt, theo Lỷ A Tài, muốn ăn quả máu thì người ta phải dùng tay bóp nhẹ, nặn kỹ, chà xung quanh quả cho đến khi quả mềm, chuyển sang màu tím đen. Sau khi bóp mềm thì quả thì mới nặn ra 1 chất dịch màu đỏ như máu để ăn. Vị chất dịch màu đỏ như máu đó chua chua, ngọt ngọt, nhưng rất khác lạ với vị của quả dâu da hay là quả sấu chín, hoặc quả cóc khi chín.
Người nhà anh Lỷ A Tài thu hái những chùm quả máu đang chín để chuyển cho khách đặt mua.
Qua 2 bài báo đăng trên báo Dân Việt năm 2017, nhiều người đã biết tới cây quả máu ở thôn Mào Sán Cáu và đặt mua quả máu. Năm nay, cây quả máu nhà anh Lỷ A Tài có sản lượng khoảng 40kg, thu hái thêm từ các cây của hàng xóm được 150 kg. Bà con trong thôn lên rừng hái về thêm 100kg nữa. Và tất cả số quả máu nói trên đều được anh Lỷ A Tài bán hết rất nhanh thông qua hình thức ship hàng.
Trưởng thôn Mào Sán Càu Lỷ A Tài bên gốc cây quả máu của gia đình.
Anh Lỷ A Tài cho biết, sau khi thông tin về loài cây quả máu ở thôn Mào Sán Cáu được báo Danviet đăng tải năm 2017, đến nay đã có cán bộ nông nghiệp của tỉnh và một cán bộ của một đơn vị nghiên cứu khoa học nông nghiệp ở T.Ư tìm đến nơi để quan sát, nghiên cứu. Cán bộ của đơn vị khoa học cũng đã lấy mẫu cây, quả máu mang về nghiên cứu.
Cây quả máu dạng dây leo, lá xanh tốt quanh năm. Cây ra hoa từ tháng 2, đậu quả và từ tháng 6-7 trở đi thì bắt đầu chín.
Lỷ A Tài và đồng bào thôn Mào Sán Cáu rất mong các nhà khoa học nghiên cứu xem loài cây quả máu này; nghiên cứu xem quả máu có những chất gì, có tác dụng như thế nào đối với sức khỏe con người. Nếu là loài cây có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe con người thì bà con trong thôn sẽ bảo tồn, nhân giống.
Thu hái quả máu ở cây quả máu nhà anh Lỷ A Tài mùa năm 2017. Quả máu được phụ nữ, trẻ em rất thích ăn và được cho là có tác dụng làm đẹp da, bổ huyết.
Nhưng theo anh Lỷ A Tài, đến nay thông tin về loài cây quả máu vẫn trong vòng “bí ẩn”. Lỷ A Tài mong muốn các nhà khoa học nghiên cứu và công bố thông tin về quả máu một phần còn do là thời gian vừa qua, nhiều người "thổi phồng" về loài quả này và bán giá quá cao. Theo anh Lỷ A Tài, loài quả máu trước nay ở thôn Mào Sán Cáu dân chỉ dùng để ăn chơi chơi và tác dụng của quả này đối với sức khỏe con người chỉ là dựa trên kinh nghiệm.