“Cứ 100 doanh nghiệp hoặc công ty trên thế giới lâm vào tình cảnh phá sản thì có đến 85% trong số đó do chính sách quản lý của người đứng đầu mà ra”, RAND - Công ty tư vấn hàng đầu thế giới tại Mỹ nhận định. Trong ngành Nhà hàng Khách sạn (NHKS) cũng vậy, nếu người đứng đầu gặp quá nhiều sai lầm trong cách quản lý thì nhà hàng, khách sạn đó rất dễ đứng trên “bờ rìa sụp đổ”.
Cách quản lý nhà hàng
Lập kế hoạch chi tiết
Một trong những cách quản lý nhà hàng hiệu quả đó là biết cách lên kế hoạch, bao gồm kế hoạch kinh doanh ngắn và dài hạn, chiến lược tiếp thị, quảng cáo, kế hoạch cải tạo nhà hàng, dự án tài chính… Bản kế hoạch càng chi tiết, cụ thể với tầm nhìn sâu rộng sẽ càng tránh được những rắc rối phát sinh và giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình điều hành nhà hàng.
Ngoài ra, các loại giấy tờ như giấy phép kinh doanh, bảo hiểm sức khoẻ cho nhân viên… cũng cần được những nhà quản lý lưu tâm.
Quản lý giỏi là người có tầm nhìn chiến lược và kế hoạch cụ thể
Luôn tôn trọng khách hàng
“Khách hàng là Thượng đế” là câu slogan quen thuộc trong ngành NHKS. Mức độ hài lòng, phản hồi tích cực của thực khách chính là thước đo chính xác nhất thành công của nhà hàng đó.
Trên thực tế, nếu một khách hàng nói tốt về nhà hàng của bạn, điều đó đồng nghĩa bạn sẽ có cơ hội tiếp đón thêm 3-4 thực khách tiềm năng trong tương lai. Người quản lý nhà hàng ăn uống hiệu quả là người biết đứng trên lập trường khách hàng, đặt nhu cầu thực khách lên trên lợi nhuận nhà hàng và biết lắng nghe, đáp ứng mọi yêu cầu nhỏ nhất của thực khách.
Luôn tôn trọng nhân viên
Thomas Watson Jr. - Chủ tịch Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM lớn nhất nước Mỹ từng nói: “Luôn đặt con người ở vị trí số một và tôn trọng nhân viên chính là chìa khóa thành công của nhà quản lý”.
Theo kinh nghiệm quản lý nhà hàng của nhiều người, một môi trường làm việc dân chủ, mọi nhân viên đều được tôn trọng ý kiến, được đối xử công bằng và được cấp trên tin tưởng giao phó nhiệm vụ chính là “đòn bẩy” giúp họ nỗ lực cống hiến nhiều hơn cho nhà hàng.
Bên cạnh đó, cách quản lý nhân viên nhà hàng cũng đóng vai trò rất quan trọng và chia làm hai phương pháp là quản lý theo kỷ luật và quản lý bằng tình cảm. Theo đó, quản lý theo kỷ luật sẽ dựa trên mức xử phạt và khen thưởng rập khuôn của từng nhà hàng; còn quản lý bằng tình cảm là thường xuyên trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng nhân viên nhằm lí giải vì sao nhân viên đó phạm lỗi, trước đó đã từng mắc sai phạm chưa, thái độ của nhân viên khi mắc lỗi…
Một vài mẹo nhỏ giúp bạn lắng nghe hiệu quả:
- Tạo cơ hội cho nhân viên giãi bày bức xúc, đề xuất và chăm chú lắng nghe họ. Nhân viên chắc chắn sẽ rất thất vọng nếu bạn phớt lờ quan điểm của họ hoặc bạn chỉ “nghe cho có”.
- Phản hồi ý kiến nhân viên vừa trình bày bằng việc suy nghĩ về vấn đề phát sinh và đưa ra giải pháp. Đây là cách bạn tôn trọng và thấu hiểu nhân viên.
Đầu tư xây dựng thực đơn
Thực đơn hấp dẫn và khoa học sẽ là “thỏi nam châm” vô hình thu hút thực khách quay lại nhà hàng. Khi thực khách cầm thực đơn trên tay thì những giây phút lướt qua đầu tiên ấy sẽ đọng lại trong tâm trí họ ấn tượng mạnh mẽ về tính chuyên nghiệp của nhà hàng đó thông qua cách sắp xếp, bố cục, trình bày khoa học các món ăn trong thực đơn.
Theo kinh nghiệm quản lý nhà hàng của không ít chuyên gia thì một thực đơn lý tưởng sẽ thỏa đáp đủ các yêu cầu về mặt hình thức (font chữ, màu sắc, hình ảnh minh họa, lỗi chính tả), nội dung (trình tự món ăn, định kì cập nhật giá) và cả tính sáng tạo, độc đáo trong gu ẩm thực của chính chủ nhân nhà hàng đó.
Cách quản lý khách sạn
Phân công công việc cụ thể
Phân công việc làm cụ thể cho từng nhân viên, đồng thời đề ra mục tiêu và tiêu chuẩn đánh giá thành tích rõ ràng là một trong những cách quản lý khách sạn hiệu quả. Nhà quản lý thành công là người viết ra mô tả công việc cho từng vị trí cụ thể với những kỳ vọng về thành tích mà nhân viên sẽ đạt được.
Ví dụ, nhân viên buồng phòng chỉ có trách nhiệm làm tốt nhiệm vụ ở bộ phận buồng phòng chứ không phải lau dọn bàn ở bộ phận nhà hàng. Chỉ khi nhân viên xác định rõ công việc cụ thể và mục tiêu cần đạt được, họ mới toàn tâm phấn đấu hoàn thành tốt vai trò của mình.
Bên cạnh đó, chế độ thưởng phạt rõ ràng cũng tạo động lực cho nhân viên gắn bó và cống hiến lâu dài với khách sạn. Khi nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, hãy bày tỏ sự biết ơn những nỗ lực của họ, khuyến khích họ phát huy bản thân. Điều này giúp họ cảm thấy bản thân quan trọng và được đóng góp cho khách sạn là một niềm vinh hạnh.
Sử dụng phần mềm quản lý khách sạn
Ngày nay, phầm mềm quản lý khách sạn là trợ thủ đắc lực nhất đối với các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, bao gồm những thương hiệu tiếng tăm như ihotelier, Opera, Smile… Nhà quản lý giỏi là người biết tận dụng triệt để các chức năng của phần mềm quản lý khách sạn nhằm tiết kiệm thời gian và giảm chi phí cho khách sạn.
Những sai lầm nghiêm trọng cần tránh trong quản lý nhà hàng, khách sạn
Thiếu thân thiện với cấp dưới
Nắm giữ vai trò quản lý không có nghĩa bạn biết “tất tần tật” mọi vấn đề, hãy thường xuyên hỏi han và tham khảo ý kiến nhân viên để họ có cảm giác được bạn quan tâm và tôn trọng quan điểm. Lối suy nghĩ cứng nhắc về mối quan hệ “cấp trên - cấp dưới” vô tình phân chia “ranh giới” giữa cấp bậc quản lý và nhân viên. Nhiều nhân viên tự cảm thấy thấp bé, thua kém so với cấp trên nên luôn ngần ngại chia sẻ những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng cá nhân, lâu ngày hình thành nên khoảng cách lớn khó xóa nhòa.
Công việc quản lý nhà hàng, khách sạn yêu cầu bạn đầu tư thời gian tìm hiểu nhân viên. Có thể bạn đã làm việc cùng người này rất lâu rồi, nhưng điều đó không có nghĩa bạn biết tường tận về họ. Hãy dành thời gian tìm hiểu xem họ thích thú điều gì, đâu là động lực thúc đẩy họ, điều gì khiến họ lo lắng… Cố gắng hiểu rõ tính cách, nguyện vọng của nhân viên cấp dưới là cách tốt nhất để bạn quản lý họ hiệu quả.
Không khuyến khích học tập
Nhân viên dù tài năng hay cẩn trọng đến đâu cũng sẽ có lúc mắc phải sai sót ngoài ý muốn. Khác biệt lớn nhất giữa nhân viên giỏi và nhân viên kém chính là tinh thần cầu thị, biết chấp nhận những khiếm khuyết cá nhân để rút ra bài học kinh nghiệm phát triển bản thân.
Người biết cách quản lý nhà hàng khách sạn là người có khả năng tạo ra môi trường làm việc tích cực và khích lệ nhân viên không ngại chấp nhận rủi ro, mặc dù đôi khi rủi ro đồng nghĩa với thất bại. Môi trường đó là chất xúc tác giúp nhân viên phát huy hết thực lực bản thân, đồng thời khơi gợi những tiềm năng mà họ chưa kịp phát hiện.Tổng thống thứ 6 của nước Mỹ John Quincy Adams từng nói: “Nếu hành động của bạn truyền cảm hứng cho người khác ước mơ nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn, làm nhiều việc hơn và trở nên tốt đẹp hơn, bạn là một người lãnh đạo.”
Phản ứng thiếu nhanh nhạy
Đây là một trong những thiếu sót phổ biến ở các quản lý trẻ, non kinh nghiệm. Thông thường, khi xảy ra khủng hoảng đối với trải nghiệm dịch vụ của khách hàng, điều cần làm là đưa ra các giải pháp kịp thời nhưng phải mang tính hiệu quả, tránh chần chừ, “câu giờ” khiến khách hàng thêm phần khó chịu, bực dọc.
Phương hướng xử lý vấn đề tốt nhất là giải quyết ngay từ những than phiền nhỏ nhặt, thậm chí là khi khủng hoảng trải nghiệm của khách hàng chưa kịp hình thành. Đón đầu càng sớm, vấn đề sẽ càng được giải quyết dễ dàng và nhanh chóng.
“Một trong những thử thách của lãnh đạo là khả năng nhận ra vấn đề trước khi nó trở thành sự tình khẩn cấp” - Arnold H. Glasgow, doanh nhân nổi tiếng của Mỹ thế kỷ 20 từng nói. Thói quen thường thấy ở chúng ta là tìm kiếm giải pháp nhanh gọn để đốt cháy giai đoạn. Hãy ghi nhớ rằng, dù tình hình có tồi tệ đến mức nào, bạn vẫn phải giữ bình tĩnh, không nên quá vội vàng, hấp tấp để tránh những giải pháp kém hiệu quả.
Trên đây là những cách quản lý nhà hàng và cách quản lý khách sạn hiệu quả. Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn đúc kết ra nhiều kinh nghiệm hữu ích để áp dụng vào thực tế công việc quản lý của mình.