Trái tim là một trong những cơ quan quan trọng nhất của con người, sự tồn tại và sức khỏe của nó ảnh hưởng đến cơ thể và cuộc sống của chúng ta. Có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra ở tim nhưng tăng huyết áp, loạn nhịp tim,... Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn các nhóm thuốc tim mạch tương ứng với bốn bệnh lý về tim.
Nhóm thuốc tim mạch trị tăng huyết áp
Theo thống kê gần đây nhất của WHO, tăng huyết áp là bệnh mãn tính phổ biến nhất dẫn đến sự phát triển của bệnh tim mạch và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Kiểm soát huyết áp không phù hợp có thể dẫn đến phì đại tâm thất trái, suy thận, đột quỵ hoặc đau tim, rối loạn chức năng nhận thức,...
Việc lựa chọn chính xác thuốc hạ huyết áp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như bệnh đi kèm, mức lọc cầu thận của người bệnh, tác dụng phụ. Các nhóm thuốc hạ huyết áp thường được sử dụng bao gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEi);
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB);
- Thuốc chẹn kênh canxi (CCB);
- Thuốc lợi tiểu thiazide;
- Thuốc chẹn beta.
Các phương pháp điều trị hạ huyết áp ít được sử dụng hơn bao gồm thuốc chẹn alpha, thuốc ức chế renin, thuốc lợi tiểu quai, các chất ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương như methyldopa hoặc clonidin và các thuốc làm giảm trực tiếp sự căng thẳng của cơ trơn mạch máu, ví dụ như dihydralazine.
Thuốc kháng tiểu cầu
Thuốc kháng tiểu cầu là thành phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh mạch máu do xơ vữa động mạch. Nó có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các biến cố mạch máu trong nhiều tình trạng lâm sàng khác nhau, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các biến cố mạch máu nghiêm trọng khác ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Thuốc kháng tiểu cầu thường sử dụng được chia thành 3 nhóm lớn bao gồm:
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu (ngăn ngừa hình thành cục máu đông);
- Thuốc chống đông máu (tác động lên các yếu tố đông máu);
- Ly giải fibrin (phá hủy cục máu đông).
Thuốc chống loạn nhịp
Rối loạn chức năng tim thường được biểu hiện dưới dạng rối loạn nhịp tim, làm gián đoạn tính chu kỳ và tính đều đặn của hoạt động dẫn truyền tim. Rối loạn nhịp tim đặc trưng bởi nhịp tim không đều (quá nhanh hoặc quá chậm). Rối loạn nhịp tim chậm có thể được điều trị bằng thuốc atropine hoặc adrenergic. Rối loạn nhịp nhanh rất phức tạp và gây ra các bệnh như rung nhĩ, cuồng nhĩ, rung thất, loạn nhịp nhanh thất,... Trong đó, rung nhĩ là chứng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất trên toàn thế giới. Mặc dù rung nhĩ không phải là chứng rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng ngay lập tức, nhưng nó có liên quan đến một số biến chứng như tăng nguy cơ đột quỵ và suy tim.
Các thuốc chống loạn nhịp tác động chủ yếu đến sự vận chuyển Na+, Ca2+ và K+ trong màng tế bào cơ tim, ảnh hưởng đến các giai đoạn khác nhau của điện thế hoạt động của tế bào cơ tim, ức chế tính tự động của tim. Thuốc thường được phân loại theo hệ thống phân loại Vaughan-Williams (VW) bao gồm:
- Nhóm I: Thuốc chẹn kênh natri của cơ tim và hệ thống dẫn truyền tim. Loại này còn được chia thành các loại IA, IB và IC tùy theo mức độ tác dụng ức chế kênh natri và tác dụng riêng của thuốc lên điện thế hoạt động, tốc độ dẫn truyền và khả năng tái cực.
- Nhóm II: Thuốc chẹn beta thế hệ ba làm chậm tốc độ khử cực tự động trong thời kỳ tâm trương, ức chế tính tự động và độ dẫn điện của tim, rút ngắn thời gian điện thế hoạt động. Nó cũng có tác dụng ổn định màng.
- Nhóm III: Thuốc chẹn kênh kali làm giảm dòng kali ra khỏi tế bào, kéo dài thời gian điện thế hoạt động.
- Nhóm IV: Thuốc chẹn kênh canxi không dihydropyridine làm gián đoạn sự di chuyển của canxi vào mô tim và mạch máu, qua đó làm giảm tốc độ dẫn truyền và dẫn truyền chậm qua nút nhĩ thất.
Nhóm thuốc tim mạch trị suy tim
Suy tim là biểu hiện của bệnh tim ở giai đoạn cuối do sự suy giảm về chức năng tim và lưu thông máu không hiệu quả. Suy tim là kết quả của sự tiến triển các bệnh như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, bệnh tim bẩm sinh và các bệnh lý không liên quan đến tim khác. Suy tim được chia làm hai loại là cấp tính và mãn tính. Suy tim cấp tính thường khởi phát rất nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời. Trong khi đó, suy tim mãn tính chỉ cần được điều trị càng sớm càng tốt, những bệnh nhân bị suy tim nhẹ đến trung bình vẫn có thể có tiên lượng tốt hơn.
Các thuốc chữa suy tim nhắm vào mục tiêu giảm tiền tải, hậu tải cho tim, tăng cường khả năng co bóp của cơ tim, ức chế sự kích hoạt quá mức của hệ thống thần kinh nội tiết và ức chế tái cấu trúc cơ tim, bao gồm:
Nhóm thuốc cải thiện triệu chứng suy tim mãn tính:
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEi);
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB);
- Thuốc chẹn beta;
- Thuốc lợi tiểu;
- Chất đối kháng aldosterone;
- Chất ức chế đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT2i).
Nhóm thuốc dùng trong suy tim cấp tính:
- Glycoside tim;
- Thuốc giãn mạch.
Trái tim là cơ quan cần được quan tâm đặc biệt khi muốn cơ thể khỏe mạnh, vì đây là một trong những cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể chúng ta. Tăng huyết áp, suy tim, rối loạn nhịp tim là một số tình trạng gây cản trở hoạt động bình thường của tim. Cho nên, các nhóm thuốc tim mạch rất quan trọng trong việc quản lý và điều trị các vấn đề về tim khác nhau.
Xem thêm:
- Các nhóm thuốc điều trị rối loạn nhịp tim phổ biến hiện nay
- Các loại thuốc tăng co bóp cơ tim phổ biến và hiệu quả